
Mề đay từng mảng gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ. Ảnh: Minh họa
Gãi đến chảy máu vẫn không đỡ ngứa
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Bình, phụ trách khoa Da liễu, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội: Bệnh mề đay thuộc nhóm bệnh viêm da cơ địa, thường có hai dạng: cấp tính và mạn tính. Mề đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ trên vùng da nào, niêm mạc nào của cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng hoặc đỏ, phù nề, ngứa… Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, có khi ngứa phải gãi đến mức chảy máu vẫn không đỡ ngứa là triệu chứng điển hình của bệnh này. Nốt sẩn, ngứa có khi chỉ ở một vùng da nào đó trên cơ thể, có khi cả đám rộng nhưng có khi chỉ rải rác. Nốt sẩn, ngứa kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn nhưng cũng có trường hợp mề đay kéo dài cả tuần không tự khỏi.
Một số trường hợp bệnh nặng thì ngoài sự biểu hiện ở da chúng còn có thể xuất hiện ở niêm mạc đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy. Bệnh mề đay cũng có thể xảy ra ở tổ chức não gây phù não hoặc xảy ra ở đường hô hấp như thanh - khí quản gây phù nề, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Mề đay cấp tính có thể điều trị hết cơn cấp tính hoặc hết chất kích thích thì bệnh mề đay biến mất, nhưng rất dễ tái phát và trở thành mề đay mạn tính.
Mề đay mạn tính thì thường xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần trong tuần, trong tháng hoặc trong năm, có khi là cách quãng nhưng có khi là liên tiếp trong nhiều ngày. Biểu hiện của mề đay mạn tính có khi chỉ một số nốt mẩn, ngứa trên da nhưng có khi là rất nhiều nốt mẩn ngứa tạo thành một mảng hoặc nhiều mảng trên các vùng da khác nhau có hình loang lổ giống như da hổ. Mề đay mạn tính gặp ở nhiều dạng khác nhau như: dạng thành vòng, dạng thành vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước.

Bệnh mề đay phải xác định đúng căn nguyên mới có thể được chữa trị tận gốc. Ảnh: KT
Bệnh khó phát hiện nguyên nhân
Theo nghiên cứu của giới chuyên khoa da liễu, việc chẩn đoán bệnh mề đay không khó, chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Tuy vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh mề đay để có hướng điều trị đúng, giúp bệnh nhanh khỏi thì còn gặp không ít khó khăn, mất thời gian bởi các loại dị nguyên gây bệnh rất đa dạng kèm theo đó là yếu tố cơ địa hoặc di truyền.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Bình cho rằng, bệnh mề đay có cơ chế phức tạp, một bệnh da phổ biến nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân. Có rất nhiều yếu tố gây bệnh mề đay bên trong lẫn bên ngoài cơ thể, thậm chí nhiều khi không chỉ do một yếu tố gây ra mà do nhiều yếu tố kết hợp lại. Thông thường nhất là do cơ địa, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, môi trường tác động thì dễ xuất hiện như: môi trường ô nhiễm, thay đổi thời tiết, trời lạnh, nóng, hoặc khi ăn các thức ăn lạ… Có những loại thức ăn gây dị ứng như: đồ tanh, sữa, trứng, hải sản, thịt gà, thịt bò… Kế đến là do các nộc độc của côn trùng như ong, kiến, sâu bọ… Ngoài ra, các loại thuốc cũng có thể gây dị ứng ngay sau khi dùng lần đầu hoặc sau một tuần.
Các yếu tố kháng nguyên về hô hấp như: rơm, rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, nấm mốc…; Các nguyên nhân gây nhiễm như: nhiễm siêu vi, viêm gan siêu vi B, C cũng có thể gây mề đay; nhiễm khuẩn ở bộ phận hô hấp trên, ở tai mũi họng, răng miệng, ở bộ phận tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun sán, nhiễm nấm ở ngoài da, nội tạng… cũng có thể gây mề đay.
Hướng điều trị
Theo PGS.TS.BS Trần Văn Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương: Bệnh mề đay nếu không điều trị dứt điểm có thể gãi nhiều làm nhiễm khuẩn da gây lở loét làm cho việc điều trị thêm phần phức tạp. Hơn nữa, sau khi khỏi bệnh thường để lại vết sẹo, hoặc vết thâm rất lâu khỏi… Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh mề đay có thể gây nguy hiểm cho tính mạng (mề đay xuất hiện ở đường tiêu hóa, đường hô hấp hay não gây phù nề).
Để điều trị các cơn mề đay sơ phát hoặc tái phát, có thể dùng các loại thuốc kháng histamin kèm theo thuốc an thần, hiện có rất nhiều biệt dược như: Phenergan, Peritol, Zyrtec, Claristin... Khi cần, phải dùng cả đến thuốc cocticoit (Prednisolon, Cortancyl), kết hợp kháng sinh. Có trường hợp phải kết hợp tẩy giun sán, giải quyết các ổ nhiễm khuẩn ở tai mũi họng, đại tràng nếu có.
Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc ngoài hiệu, có khả năng làm bệnh nặng hơn.
Những lưu ý khi bị mề đay
Với những người bị bệnh do lạnh thì vào mùa đông cần giữ ấm, tránh tiếp xúc với lạnh. Đi đường chú ý che chắn, khẩu trang, khăn quàng che cổ, găng tay, mũ, ấm toàn bộ, chân đi tất.
Khi trên da xuất hiện các mảng sẩn, phù thì nên hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Người bệnh có thể tắm nước ấm (30 độ C), tránh tắm nóng quá hoặc lạnh quá, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.
Các biện pháp giúp hạn chế, giảm nhẹ tác động của mề đay là tránh các loại đồ vật, thức ăn, thuốc men có thể gây dị ứng. Khi mề đay nổi đột ngột, cần ăn các thức ăn dễ tiêu, hạn chế các thức ăn mặn. Điều quan trọng là không nên dùng các loại thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa corticoid điều trị rất ít hiệu quả mà lại có thể gây biến chứng.
Minh Anh/TC GĐ&TE