Nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình, sáng kiến, giải pháp hữu ích sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp giáo dục môi trường và phát triển bền vững
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hemispheres Foundation, Singapore, Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) tổ chức Chương trình “Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu – Global youth summit – GYS 2023 với chủ đề “Nóng lên toàn cầu- nước biển dâng” có sự tham dự của các chuyên gia, giám khảo, diễn giả quốc tế cùng các bạn thanh thiếu niên độ tuổi 14-22 đến từ các nước: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nigieria, Mongoria... Đặc biệt có sự tham dự của GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE; GS. Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em VN tại Pháp.
Với chủ đề GYS 2023 “Global warming – Rising Sea Level” ( Nóng lên toàn cầu – Nước biển dâng), Hội nghị bao gồm các hoạt động như: Workshop quản lý rác thải nhưa và Biến đổi khí hậu, hành trình khám phá thiên nhiên và môi trường tại Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn, Triển lãm các sáng kiến môi trường bên lề, Thuyết trình các sáng kiến mô hình, giải pháp hay theo chủ đề, Đối thoại giữa các chuyên gia, nhà quản lý Bộ, ngành liên quan, Doanh nghiệp với Thanh thiếu niên quốc tế, ký kết MOU giữa các nước trong các nội dung liên quan Giáo dục môi trường, Lửa trại giao lưu văn hóa, thăm quan thực địa làng chài Nhơn Lý, Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình nhằm hỗ trợ nghiên cứu môi trường bản địa, sinh kế người dân gắn với phát triển bền vững. Các khuyến nghị, thông điệp và sáng kiến xanh sẽ được gửi tới các bên liên quan sau Trại hè.
Ngoài việc góp phần đưa các trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo vào học tập nâng cao nhận thức, ý thức và hiểu biết về tài nguyên, thiên nhiên, các vấn đề về môi trường, nước sạch, năng lượng, tái chế, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu,… qua đó làm thay đổi hành vi, điều chỉnh lối sống, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường của các thế hệ học sinh những chủ nhân tương lai của đất nước, Chương trình còn hướng đến việc lựa chọn các nhân tố tích cực làm “Thủ lĩnh xanh” lực lượng nòng cốt trong các hoạt động truyền thông góp phần tham gia vào việc thúc đẩy, lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng, xã hội.
Với hơn 100 thanh thiếu niên đến từ các quốc gia đã mang đến chương trình những sáng kiến, dự án, giải pháp hay và bền vững vì môi trường theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc như: nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và giá thành hợp lý, Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, Các thành phố và cộng đồng bền vững, Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, tài nguyên và môi trường biển, Tài nguyên và môi trường đất liền, ô nhiễm không khí, Biến đổi khí hậu…
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết, chương trình nằm trong chuỗi của nhóm hoạt động về giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu, đây là những vấn đề mà trên toàn thế giới rất quan tâm và nằm trong phạm trù giáo dục chính thức trong chương trình giáo dục từ các cấp học trung học phổ thông đến Đại học. Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) và Hemispheres Foundation, Singapore triển khai các Diễn đàn - Trại hè hàng năm cho học sinh, sinh viên Việt Nam ở cấp quốc gia và giao lưu quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường về biến đổi khí hậu và đây cũng là cầu nối để các cơ quan, ban, ngành, cơ quan truyền thông đại chúng, các doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước phối hợp về các hoạt động giáo dục về môi trường…
Chương trình có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị: như Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Phát triển LHQ - UNDP, Trung tâm Khoa học giáo dục Liên Ngành (ICISE) cùng các đơn vị phối hợp liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Đinh, Sở Du lịch Bình định, UBND xã Nhơn Lý, Trường Đại Học Quy Nhơn.