Cách Pleiku gần 100km đường bộ, làng chài Sê San hiện nay vừa nổi tiếng là điểm du lịch vừa là nơi hành nghề đánh bắt cá của những hộ dân nơi đây. Hơn 10 năm trước, khi lòng hồ thủy điện Sê San hình thành thì những người làm nghề chài cá cũng bắt đầu xuất hiện. Ban đầu từ một hoặc hai hộ, lâu dần hình thành nên làng chài đông đúc như hiện nay. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau như tỉnh Hậu Giang, An Giang, Thừa Thiên Huế….với nghề chính là đánh bắt cá trên lòng hồ Sê San.
Hiện nay có 29 hộ dân với gần 100 nhân khẩu làm thành làng chài cùng sinh sống, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Hàng năm, người dân nơi đây đánh bắt và nuôi trồng hàng chục đến hàng trăm tấn cá, nguồn lợi tạo ra thu nhập cho các gia đình.
Là người gần như gắn bó đầu tiên với lòng hồ Sê San, ông Đặng Văn Thân (quê ở An Giang) bộc bạch: "Tôi không tưởng tượng ra cá từ đâu ra mà nhiều đến thế, có lúc một mẻ vó, cho tới hàng vài chục ký cá cơm là chuyện bình thường. Nhưng lúc đó khó bán, còn hiện nay cá cơm lòng hồ Sê San được nhiều người ưa thích vì rất sạch và chế biến được nhiều món như: gỏi cá cơm, cá cơm khô rang sả ớt, mắm cá cơm... Ngoài nguồn cá cơm trên dòng sông Sê San, lòng hồ còn có nhiều loài cá như: cá lăng, cá chép, cá chạch, cá bống. Đặc biệt, cá lăng ở đây rất ngon, rất có giá trị, một cân có giá vài trăm ngàn đồng".
Dạo quanh những ngôi nhà nổi, chúng tôi được bà Lâm Thị Mỹ Lệ (quê Thừa Thiên Huế) tâm sự: "Tôi cùng chồng làm việc đánh bắt cá. Đến nay cũng gần chục năm định cư ở làng chài này rồi. Ở đây, từ con cá chúng tôi làm thành những món dân dã của quê mình. Đa số sản phẩm thu được thì đem bán để phục vụ cuộc sống, ở đây thanh bình lắm.
Nghé thăm ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Đẹp bà cho biết "tôi lên đây cùng với người con trai út. Cuộc sống ở đây cũng giống ở Miền tây thôi, nhưng nó thanh bình hơn. Các loại cá ở đây cũng ngon hơn vì được nuôi bằng nước long hồ thủy điện trong và sạch hơn".
Cá đánh bắt hoặc thu hoạch từ bè nuôi được phơi trên lưới, ướp làm sản phẩm một nắng như cá lóc, cá rô phi tạo thành cá một nắng hoặc cá khô theo kiểu miền Tây rất ngon. Bởi nắng ở đây có nhiệt độ cao nên cá phơi nắng trở thành đặc sản riêng của làng chài này. Đặc biệt khi mùa mưa đến, người dân bắt được nhiều cá to, thu nhập khá hơn. Bên cạnh đó, những hộ dân ở đây vẫn thường được huyện hỗ trợ giống cá chình bông để nuôi, giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác. Ngoài ra chính quyền cũng đã hỗ trợ nhà ở cũng như tạo điều kiện cho các cháu đến trường đầy đủ. Ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai tỉnh Kon Tum cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhân dân không những được hỗ trợ xây nhà, vay vốn chính sách, mà con được đầu tư đường điện vào cuối năm 2019.
Được chính quyền hỗ trợ, bà con đã thành lập Hợp tác xã Sê San làm ra đặc sản "cá cơm sông Sê San" giới thiệu rộng rãi đến nhiều nơi, hứa hẹn cho nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời trước nguyện vọng của người dân, tới đây con đường bê tông với tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng sẽ được khởi công.Hy vọng với những đầu tư này, làng chài Sê San sẽ ngày một khởi sắc"