
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm đúng đắn, văn minh và mang ý nghĩa chuẩn bị cho cuộc sống mới. Ảnh: KT
Đừng chủ quan với sức khỏe!
Trên mạng xã hội (facebook), bạn Trúc Anh, 27 tuổi, đến từ Hải Phòng tâm sự: “Mình thấy mọi người thường nói đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiêm ngừa cho thời kỳ mang thai trước khi cưới. Mình định kết hôn vào đầu năm sau và mang thai ngay sau đó. Vậy bây giờ mình đã nên đi tiêm phòng chưa và nếu phải tiêm thì cần tiêm những mũi gì? Mọi người cho mình lời khuyên”.
Những băn khoăn, thắc mắc của Trúc Anh cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân, đặc biệt là những bạn trẻ sống ở khu vực thành thị, thường xuyên được cập nhật thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến thức về sức khỏe sinh sản nên họ thường quan tâm đến sức khỏe tiền hôn nhân để có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân ở Việt Nam chưa thực sự được coi trọng. Nhiều người cho rằng, đó chỉ là cách "kiểm tra" nhau để quyết định có tổ chức cưới hay không, một số khác lại cảm thấy tự ái vì sức khỏe của mình bị nghi ngờ, hoặc có người lại cảm thấy lo sợ, ngại ngần. Và đặc biệt là tâm lý “đi khám kiểu gì chả có bệnh, vừa mất tiền, mất thời gian lại mang mối lo vào người khiến đám cưới mất vui…”.
Theo TS.BS Nguyễn Mạnh Trí, Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các suy nghĩ này chưa đúng đắn, bởi không phải ai cũng khỏe mạnh mọi mặt. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc nên làm, thậm chí ở nhiều nước trên thế giới, đây còn là quy định bắt buộc. Kiểm tra sức khỏe trước ngày cưới để biết được tình trạng sức khỏe của bạn đời, không chỉ là vấn đề hiếm muộn mà còn các bệnh khác như HIV, viêm gan B, tiểu đường... từ đó, lên phương án điều trị, phòng tránh cho em bé sau này.

Ngày càng nhiều đôi uyên ương cùng nhau đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để phòng bệnh hiếm muộn, HIV, viêm gan B, tiểu đường, bệnh phụ khoa…. Ảnh: KT
Quá trình khám
Tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ thường đưa ra một số mức độ khám sức khỏe khác nhau. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng có nét tương đồng với khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, các bạn trẻ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm riêng như siêu âm bụng, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, xét nghiệm viêm gan B và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, khám phụ khoa, kiểm tra hệ sinh sản…
Khám phụ khoa
Đây là việc mà cô dâu tương lai nào cũng nên làm để đảm bảo sức khỏe, giữ hôn nhân hạnh phúc. Trong quy trình khám phụ khoa, cô dâu sẽ được soi tử cung, kiểm tra vòi trứng... Những xét nghiệm, thăm khám này không mất nhiều thời gian và thường có kết quả sau 7-10 ngày. Trường hợp kết quả khám không như mong muốn, uyên ương sẽ có sự chuẩn bị về tâm lý và cách giải quyết thích hợp trước đám cưới.
Xét nghiệm tinh dịch đồ
Với chú rể, việc xét nghiệm tinh dịch đồ cũng là điều quan trọng và nên làm. Đây là xét nghiệm giúp đánh giá khả năng sinh con của nam giới. Các chú rể tương lai có thể tìm tới những phòng khám nam khoa, bệnh viện để thực hiện xét nghiệm. Trước ngày khám, chú rể nên kiêng đồ uống có cồn cũng như giữ tâm lý, sức khỏe ổn định.
Xét nghiệm máu
Song song với việc khám tiền hôn nhân, cô dâu, chú rể cần xét nghiệm máu để biết rõ sức khỏe cũng như các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Qua xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được một số bệnh như:
- Viêm gan B: Đây là bệnh có thể lây qua đường máu, đường tình dục và lây từ mẹ sang con. Vì vậy, trước khi kết hôn, nếu nhiễm virus viêm gan B, sẽ có biện pháp điều trị kịp thời.
- Đường huyết và các chỉ số cơ thể: Xét nghiệm máu sẽ giúp cô dâu, chú rể biết rõ lượng đường trong máu, tình trạng gan và các cơ quan trong cơ thể. Nếu có vấn đề bất thường, cần kịp thời điều trị, tiêm ngừa để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Bệnh lây qua đường tình dục
Theo các chuyên gia sản khoa, hiện nay, việc "vượt rào" trước hôn nhân là điều không còn mới, vì vậy mà nguy cơ các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng cao hơn. Để đảm bảo cho cuộc sống, cô dâu, chú rể nên thẳng thắn chia sẻ cùng nhau vấn đề này và cùng đi khám. Có nhiều phòng khám chuyên biệt ở các phường, xã, nơi bạn có thể đăng ký xét nghiệm HIV và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục khác. Xét nghiệm này không tốn nhiều tiền và thông tin cá nhân của người bệnh sẽ được bảo mật.
Tiêm trước sinh
Nhiều uyên ương kết hôn và muốn sinh con ngay sau đám cưới. Như vậy, cô dâu sẽ phải tiêm phòng sớm, vì sau khi tiêm, cần kiêng có thai ít nhất 3-6 tháng. Việc tiêm phòng trước cưới nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của mẹ cũng như em bé trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh ra.
Thường cô dâu tương lai được bác sĩ tư vấn tiêm một số loại như phòng uốn ván, thủy đậu, vaccine cúm và mũi tiêm 3 trong 1 để ngăn ngừa sởi, quai bị, rubella. Cô dâu có thể đến những cơ sở y tế của quận, huyện, thành phố để tiêm chủng.
Tìm hiểu biện pháp tránh thai
Trái ngược với những người muốn có con ngay sau cưới, nhiều cô dâu, chú rể lại muốn hoãn việc sinh con vì muốn ổn định cuộc sống, tận hưởng cuộc sống riêng hay công việc bận rộn. Lúc này, hai người nên cùng nhau tìm hiểu các biện pháp tránh thai như dùng thuốc, tiêm, dùng bao cao su... Từ đó tìm ra cách hợp lý nhất với sức khỏe và điều kiện.
Minh Anh/TC GĐ&TE