
Sự việc đau lòng xảy ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.Ảnh: KT
Bịa ra truyền thống
Năm 2014, khi huyện Phúc Thọ (Hà Nội) lần đầu tổ chức cái gọi là “Lễ hội chọi trâu truyền thống”. Tôi được một người bạn trong CLB Doanh nhân trẻ của huyện mời về xem hội và thưởng thức thịt con trâu đoạt giả Ba do CLB góp tiền nuôi chung. Gắp miếng thịt trâu bỏ vào bát tôi, Thành hồ hởi kể: “Thằng bé chăn trâu thuê cho CLB bọn em, lúc giết trâu, nó khóc thảm thiết lắm. Nó cứ ôm chặt lấy ông thợ lò mổ mà lạy: “Cháu lạy ông, ông cho cả nhà cháu tiết kiệm tiền, cháu chuộc ông trâu. Ông ơi, ông đừng giết nó. Cháu xin ở đợ cho ông, ông đừng giết nó. Nó giỏi, nó ngoan thế cơ mà ông ơi…”. Mà anh ạ, trâu giỏi thì thịt càng đắt! Con trâu đoạt giải Ba của bọn em bán được gần 1 triệu/1kg thịt”.
Từ xưa đến nay, tôi chỉ thấy hội chọi trâu cổ xưa nhất là xã Hải Lựu - Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Rồi hội chọi trâu ở Hàm Yên (Tuyên Quang), ở Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng) mà không thấy một dòng nào ghi nhận về chọi trâu Phúc Thọ (Hà Nội) cả! Vậy là, có chuyện bịa ra truyền thống đánh lừa người dân. Không những thế, lễ hội bịa đặt ấy truyền tải thông điệp văn hóa nào khi đưa những con vật như con trâu là con vật biểu trưng cho lao động, đem lại cơm ăn, áo mặc cho con người, lên sàn đấu đẫm máu? Rồi sau đó, dù thắng hay thua thì cũng bị dí điện và làm thịt!? Có chăng những lễ hội kiểu này chỉ để nuôi dưỡng thói khát máu nguyên thủy và góp phần sản sinh ra những thế hệ trẻ mang dòng máu lạnh.
Báo chí cũng vào cuộc, ít lâu sau, cái “Lễ hội truyền thống” bịa đặt của huyện Phúc Thọ bị UBND thành phố Hà Nội cấm. Nhưng trước khi cấm, UBND thành phố vẫn phải nương tay để cho huyện tổ chức nốt cái “Giải thi trâu khỏe” bởi biết bao lý do được đưa ra thuyết phục: Trâu mua rồi, tiền mua trâu, tiền chăm nuôi tốn kém quá! Thôi thì cho đấu lần chót. Nhưng mà thi “trâu khỏe”, muốn minh chứng là trâu khỏe, không lẽ thi cày? Nên trâu vẫn húc nhau trước khi bị xẻ thịt chỉ để thỏa mãn cái hiếu kỳ và làm giàu cho những mưu toan, trục lợi của một số người. Trâu chưa đấu xong, đã thấy ngoài đường khoe bán thịt con trâu thắng cuộc.

Tranh cướp bạo lực ở lễ hội. Ảnh: KT
Biến tướng lễ hội
Đã 3 năm, Phúc Thọ không có chọi trâu và lễ hội chém lợn ở Tiên Du (Bắc Ninh) cũng tế nhị lui vào hậu cung, tưởng rằng cái man rợ đã lùi xa, nhưng hóa ra cái ác đã lên tầm cao hơn. Dù công an dày đặc, người ta vẫn leo lên đầu, đạp thẳng vào mặt nhau vì vài cái hoa tre ở đền Sóc (Sóc Sơn), móc mắt nhau chỉ để lấy cái khánh nhựa trị giá 5 ngàn đồng ở chùa Hương (Mỹ Đức)… Những lễ hội của sự tàn độc đang núp dưới bóng “Bảo tồn văn hóa truyền thống” như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì sự thật của văn hóa ấy là cái gì? Việc lên án vì các lý do nhân đạo với động vật không khiến họ từ bỏ vì “nó là một phần truyền thống”. Thế rồi, việc trâu húc chết chủ ngay trên sân đấu, một sự việc hy hữu chưa từng có bao giờ khiến tất cả chết lặng.
Trong khi đó, sới vật Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) - một sới vật cấp quốc gia, nhưng đã mấy năm rồi không mở hội. Một di sản gắn bó máu thịt với đời sống cộng đồng dân cư, đã từng là niềm tự hào của cả vùng văn hóa Xứ Đoài, bị bỏ hoang, mặc cho cỏ dại xâm lấn công trình được đầu tư quy mô hàng tỷ đồng. Lễ hội thật đấy sao không bảo tồn mà lại bịa ra lễ chọi trâu?
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL từng chia sẻ: “Vào lúc cao điểm, một tỉnh xa xôi như Yên Bái có tới 6/7 huyện tổ chức lễ hội chọi trâu. Người ta còn có kiến nghị đưa chọi trâu Đồ Sơn vào chọi ở Vũng Tàu!”. Chẳng khó hiểu bởi nghi lễ cồng chiêng, vốn là giao tiếp với thần linh đã bị mang ra đánh ở vườn hoa, ở khu du lịch cho cho mấy ông tây, bà đầm xem cơ mà!? Miễn là làm được kinh tế và lan tỏa được văn hóa truyền thống!
Thật cay đắng nói rằng: “Nền kinh tế chọi trâu” đã làm văn hóa chọi trâu mất thiêng. Khi chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải tạm dừng vì một cái chết đau thương thì điều mất mát ấy khó có thể tính hay bù đắp được bằng tiền. Ngay lúc này đây, rất cần có những quyết sách của Chính phủ về những lễ hội ẩn chứa sự tàn nhẫn núp bóng truyền thống dân gian.
Trần Quốc Nam/TC GĐ&TE