Ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh có thể lên đến hơn 90%.
Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường không có biểu hiện rõ ràng, bởi lúc này các tổn thương tiền ung thư chỉ là những polyp và không biểu hiện gì ra bên ngoài. Một số trường hợp nếu polyp nằm sát phần hậu môn thì sẽ gây ra tình trạng đại tiện ra máu hoặc phân nhầy.
Đa số các trường hợp ở giai đoạn sớm sẽ không có biểu hiện, bệnh diễn ra âm thầm. Khi bệnh ở giai đoạn muộn lúc này các khối u to lên gây hẹp lòng đại tràng khiến việc lưu thông tiêu hóa kém và gây ra các biểu hiện rõ rệt hơn.
Cụ thể, người bệnh sẽ đau bụng, rối loạn phân khi đại tiện (táo bón, đi lỏng), phân có máu đen, phân nhầy, ở giai đoạn muộn có thể bị tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
Người bệnh cần lưu ý, nếu bệnh nhân thông thường ngày đi đại tiện một lần, sau đó có thay đổi đi ngày 2-3 lần và tính chất phân thay đổi thì có thể dễ gây hiểu nhầm thành rối loạn tiêu hóa.
Nếu phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh càng cao. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp nội soi, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh rất cao với các trường hợp khối u chưa di căn.
Vì vậy, việc phòng ngừa ung thư đại tràng là vô cùng cần thiết. Ung thư đại tràng và ung thư đường tiêu hóa nói chung chưa thể xác định rõ ràng các yếu tố nguy cơ. Do vậy, để phòng ngừa cần tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Việc đầu tiên là phải duy trì lối sống khoa học bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả vào thực đơn hàng ngày. Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ ăn muối chua, nhiều gia vị, đồ chế biến sẵn…; hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao nhất định cần tầm soát ung thư đại tràng bao gồm: Người từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát 2 năm/lần (theo nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn Quốc) bởi tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư càng tăng;
Người có người thân trong gia đình mắc ung thư đại tràng hoặc ung thư đường tiêu hóa; Người có vấn đề về đường tiêu hóa, người bệnh có thể kết hợp khám sức khỏe và tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, cần thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát sớm để phát hiện các tổn thương tiền ung thư và đưa ra phương án điều trị. Phương pháp chính xác nhất để tầm soát và phát hiện ung thư đại tràng là nội soi tiêu hóa.
Nội soi tiêu hóa giúp phát hiện sớm các tổn thương ở đường tiêu hóa trong đó có đại tràng kể cả những tổn thương rất nhỏ hay biến đổi rất tinh tế trên bề mặt của niêm mạc. Tất cả những phương pháp siêu âm hay xét nghiệm máu hoặc các phương pháp khác ở giai đoạn sớm này không thể giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng như nội soi.