Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi đàn ông ở nhà nội trợ

 
Nhiều ông chồng ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì luôn được mọi người tôn trọng. Ảnh minh họa (Internet)
 
“Đổi vai”
 
Cô chú tôi thời trẻ là một đôi bạn thanh mai trúc mã, cùng sinh ra và lớn lên ở thành phố miền trung du. Tốt nghiệp THPT, chú Quang theo học ngành thương nghiệp, còn cô tôi thì đi học sư phạm. Ngấp nghé 30, sau khi cả hai đã ổn định công việc, cô chú tôi làm đám cưới. Sau đám cưới, chú Quang phải đi phát triển thị trường ở các tỉnh phía Nam, thỉnh thoảng mới về nhà vài ngày. Ở xa gia đình nội - ngoại, chồng lại công tác liên miên nên một mình cô tôi phải cáng đáng tất cả mọi việc, từ việc cơ quan đến đưa đón, chăm sóc 2 con. Áp lực kinh tế cộng thêm sự vất vả khi các con hay ốm đau khiến cô tôi gầy rộc đi. Mỗi lần về thăm nhà, thấy con liên tục phải đi viện, vợ thì gầy rộc vì thức đêm, ngày lại phải lên lớp, rồi lại căng ra dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ để tăng thu nhập, chú Quang rất suy nghĩ. 
 
Cách đây gần 20 năm, ở quê tôi, môn ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh rất “hot”. Mà cô tôi thì lại học đúng chuyên ngành Tiếng Anh, cộng với kinh nghiệm và chuyên môn giỏi nên cơ hội phát triển là rất lớn. Thấy chú Quang phải đi công tác dài kỳ suốt mà thu nhập lại không cao, cô tôi bèn bàn với chú xin nghỉ mất sức, ở nhà chăm sóc con cái để cô mở trung tâm Tiếng Anh. Sau nhiều tháng trăn trở suy nghĩ, chú Quang không khỏi đau đáu với sự nghiệp của mình theo đuổi bấy lâu, nhưng vì thương vợ con, chú quyết định xin nghỉ việc, ở nhà quán xuyến gia đình, chăm sóc các con.
 
Là người thức thời, lại được chồng tạo điều kiện, cô tôi quyết định mở trung tâm ngoại ngữ. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm, cùng với sự thông minh, sắc sảo, năng động và có điều kiện toàn tâm toàn ý với công việc, sự nghiệp của cô như diều gặp gió. Từ một trung tâm ngoại ngữ mở ở thành phố, cô tôi còn phát triển thêm một trung tâm ở huyện. Trung tâm phát triển thuận lợi đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình cô ngày càng tăng, cô chú có điều kiện cho các con ăn học và xây được căn nhà khang trang.
 
Về phần chú Quang, từ khi nghỉ ở nhà chăm sóc gia đình, chú cũng gặp không ít sự dè bỉu của những người xung quanh. Có người gọi chú là “đàn ông mặc váy”. Có người bảo chú dại khi ở nhà nội trợ để vợ quần là áo lượt đi làm. Có người khuyên chú phải quản vợ thật chặt không sẽ mất có ngày. Có người bảo chú ở nhà chăm con sẽ mất uy với vợ và các con… Thế nhưng, ai nói gì chú cũng chỉ cười, vì chú biết mình phải sống thế nào cho đúng và điều quan trọng là họ đâu sống hộ cuộc sống của chú. Ở nhà, chú có thời gian chăm sóc, gần gũi con, có điều kiện đưa đón, bảo ban các con học hành. Cô tôi tuy là người làm ra kinh tế trong nhà, nhưng luôn tôn trọng chồng. Mỗi khi cần làm gì hay mua bán gì, cô đều hỏi ý kiến chú và vợ chồng cùng bàn bạc, thống nhất. Cô luôn biết ơn chú, vì chú đã hy sinh sự nghiệp, chăm lo gia đình để cô toàn tâm, toàn ý phát triển sự nghiệp. Cô chưa khi nào có ý nghĩ thoái thác tất cả việc nhà cho chú, vì vậy, mỗi khi được nghỉ hay rảnh rỗi, cô luôn vào bếp cùng chú. Gia đình cô chú tôi luôn tràn ngập hạnh phúc vì các con ngoan ngoãn, học giỏi. Cậu con cả sau khi tốt nghiệp đại học đã về tiếp quản trung tâm ngoại ngữ của mẹ. Cô tôi giờ chỉ cố vấn giúp con, còn thời gian chủ yếu cùng chú vui thú điền viên, làm vườn, tập thể thao, vun đắp tổ ấm hạnh phúc.

 
Ảnh minh họa (Internet)
 
Bố là người tuyệt vời nhất!
 
Nếu được hỏi ai là người tuyệt vời nhất trong nhà, thì các con của ông bà Thanh - Liên đều đồng thanh: Bố là người tuyệt vời nhất!
 
Cô con dâu cả ngày mới về làm dâu nhà ông bà Thanh - Liên đã vô cùng ngạc nhiên khi người đi chợ, nấu cơm là bố chồng chứ không phải mẹ chồng. Cô càng ngạc nhiên hơn nữa khi thỉnh thoảng vợ chồng về thăm nhà, bố chồng luôn dành phần đi chợ. Tìm hiểu thì cô biết, gần 30 năm nay, bố chồng cô đã quen với công việc nội trợ trong nhà. Cô con dâu càng trân trọng và kính hiếu với bố chồng khi biết ông đã từ chối nhiều cơ hội thăng tiến để có điều kiện gần gũi, chăm sóc con cái và đặc biệt là tạo mọi điều kiện cho vợ phát triển sự nghiệp. 
 
Ngày biết ông Thanh từ chối vào miền Nam làm giám đốc chi nhánh và xin ở lại Hà Nội làm nhân viên để có thời gian chăm lo gia đình, dành cơ hội cho vợ đi tu nghiệp ở nước ngoài, mẹ ông vô cùng giận dữ. Trước áp lực dư luận và gia đình, ông Thanh cũng suy nghĩ rất nhiều, nhưng cuối cùng, ông đã vững tâm với lựa chọn của mình. Sau 2 năm đi tu nghiệp ở nước ngoài, về nước, bà Liên được đề bạt từ trưởng phòng, phó giám đốc, rồi giám đốc xí nghiệp. Làm quản lý nên bà Liên rất bận, không có thời gian chăm lo gia đình, con cái. Thông cảm với những vất vả của vợ, ông Thanh ngoài thời gian ở cơ quan, về nhà là chu toàn mọi việc, từ đưa đón con đi học chính, học thêm đến chợ búa, cơm nước, đối nội, đối ngoại. Bà Liên rất cảm kích và biết ơn khi được chồng thông cảm, chia sẻ, đặc biệt biết hy sinh để vợ có cơ hội học tập, thăng tiến. Chưa khi nào trong gia đình ông bà có sự phân biệt ai làm ra nhiều tiền hơn, bởi ông bà luôn quan niệm đó là của chung. Ai có hỏi tại sao ông lại từ chối cơ hội làm sếp, rồi dành hết việc nội trợ của vợ, ông Thanh vẫn trả lời vui rằng: “Ở nhà tôi, ai xay lúa thì khỏi bồng em”! Ông Thanh chưa khi nào cảm thấy bị lép vế trước một bà vợ là giám đốc, vì bà Liên luôn tôn trọng và yêu thương chồng. Còn các con của ông bà cũng luôn trân trọng những hy sinh thầm lặng của bố dành cho gia đình. 
 
Vợ hay chồng ở nhà làm nội trợ không quan trọng, mà quan trọng là cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Người đi làm không được coi thường người ở nhà, và ngược lại, người ở nhà làm nội trợ cũng không nên mặc cảm, tự ti. Gia đình sẽ hạnh phúc khi mọi người cùng chia sẻ, yêu thương, tôn trọng nhau.

Hồng Trần/TC GĐ&TE