Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi di tích được … "cải lão hoàn đồng”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chuyện hạ giải để trùng tu chùa Cầu ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Một số người cho rằng, sau khi trùng tu di tích trông "mới, trẻ" quá, không còn là công trình cổ có 400 năm tuổi. Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại nói rằng "đã trùng tu thì nó phải... mới, chứ không thể đòi hỏi nó "cũ kỹ" như khi chưa trùng tu".

chua.jpg
Di tích Chùa Cầu sau trùng tu (Ảnh: Trần Ánh).

Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, vấn đề trùng tu chùa Cầu đã đặt ra từ 30 năm trước với quan điểm nhất quán: Phải làm bởi di tích đã xuống cấp quá nặng, sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Đã trùng tu thì phải căn cơ, bài bản. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo di tích này có nguy cơ bị biến dạng, không còn giữ được vẻ cổ kính như vốn có.

Nỗi lo này đã trở thành sự thật. Mặc dù trước khi hạ giải, cơ quan có trách nhiệm đã cùng chuyên gia Nhật Bản đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo mang lại kết quả tối ưu, nhưng mong muốn vừa làm mới (bao gồm cả can thiệp sâu vào phần kết cấu), vừa giữ được dáng vẻ cổ kính với độ tuổi 4 thế kỷ vẫn không được trọn vẹn.

Thực tế, chính quyền TP Hội An và các nhà khoa học đã rất nỗ lực để thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải tỉ mỉ đến từng chi tiết của một công trình có quy mô lớn.

Phải tháo rời từng chi tiết rồi chọn lọc cái nào tốt giữ lại, cái nào hư quá thì bỏ, rồi dựng lại như hình dạng cũ, không xê dịch, đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng và chân thực, với tinh thần cẩn trọng tối đa. Vì đó không chỉ là một công trình mà là biểu tượng của lịch sử, một phần quan trọng của Hội An với tư cách là di sản quý...

Theo đánh giá của một số người vốn nặng lòng với Hội An và có dịp tận mắt thấy được sự đổi thay của chùa Cầu sau trùng tu, vấn đề không hẳn là do việc trùng tu quá tay mà chỉ là việc sử dụng màu sơn có phần hiện đại gây cảm giác xa lạ với những ai đã quen với hình ảnh chùa Cầu trước đây.

Vì thế sau khi tiếp thu ý kiến dư luận, chính quyền TP Hội An đã cho sơn lại công trình với màu sơn tối hơn và có những chỗ loang lổ, có thể coi là một cách giả cổ. Đó là giải pháp tình thế không tồi, vì một công trình mới trùng tu thì không thể đòi hỏi có ngay lớp rêu phong bao phủ.

"Những xôn xao về chùa Cầu cho chúng ta thấy người dân Hội An và cả du khách rất quan tâm tới di tích, di sản cha ông. Đó là điều đáng mừng vì đó là tình yêu, chính tình yêu đó đã giữ cho đô thị cổ Hội An tồn tại mấy trăm năm.

Có yêu thì mới để ý, mới đủ tinh tế nhận ra sự đổi khác của di tích, trong đó có chùa Cầu. Và khi lên tiếng cũng là thể hiện trách nhiệm. Những ý kiến góp ý về chùa Cầu mấy ngày qua cũng là lời nhắc nhở tích cực cho cơ quan quản lý di sản, chính quyền TP Hội An rằng, mọi sự khi đụng đến di tích, di sản đều phải hết sức cẩn trọng.

Khi đẹp mà không ai khen, xấu cũng chẳng ai chê, mới hay cũ cũng không ai lên tiếng, không ai quan tâm thì đó mới là điều đáng sợ và cũng chính là bi kịch", ông Sự nhấn mạnh. "Chúng ta nên cảm ơn tất cả tình yêu đó, bình tĩnh đón nhận và xử lý hợp lý để cùng hướng đến cái chung là giữ di sản cho muôn đời sau".

Khánh Nguyễn

  Báo Lao động và Xã hội số 93

Tin liên quan