
Bà Y Chúc - mẹ của chị Y Nhiêu đau đớn bởi con gái bị hành hạ. Ảnh: Internet
Sao trong xã hội lại có người ác đến vậy?!
Đọc những thông tin trên báo về việc cô Hà đối xử với Y Nhiêu và nhìn những thương tích trên người Y Nhiêu, tôi phẫn nộ. Những hình thức tra tấn cô Hà sử dụng còn dã man hơn thời Trung cổ: Dí bàn là nóng vào người, dùng kìm bẻ răng, cắt tai, đạp vào bụng cho sẩy thai… Những điều này là quá sức chịu đựng của con người. Cô Y Nhiêu đã từng tìm cách bỏ trốn nhưng không thoát. Nếu không có người phát hiện cô nằm thoi thóp trong ống cống, có lẽ cô đã chết.
Tôi không hiểu sao trong xã hội hiện đại của ta lại có người ác như cô Hà?! Hành hạ một đồng loại như vậy nhằm mục đích gì nhỉ? Để ra oai bà chủ? Để thỏa mãn thú tính bệnh hoạn? Việc cô Hà nghi cô Y Nhiêu lấy tiền, nhẫn vàng, nhẫn kim cương là không có cơ sở. Nếu cô Hà mất thật và muốn lấy lại những thứ đã mất thì phải báo công an. Còn việc hành hạ người làm công trong nhà do nghi ngờ sẽ không bao giờ có kết quả.
Điều mọi người kinh hãi là sự tàn nhẫn dã thú của cô Hà. Ác như cô ấy mà vẫn có gia đình, chồng con là điều chúng ta phải suy nghĩ.
Phải xem lại quan hệ chủ - tớ
Về mặt nguyên tắc, quan hệ chủ - tớ trong xã hội ta không được phép tồn tại. Nhưng trên thực tế, những người bỏ tiền ra thuê người làm việc cho mình đều xem mình là những ông chủ, bà chủ và xem người làm thuê như đầy tớ. Có lẽ, chính tâm lý này cho phép họ muốn làm gì thì làm; và thế là họ trở nên tàn nhẫn một cách quái ác.
Việc cô Hà bị khởi tố và bị pháp luật trừng phạt là điều không cần bàn cãi. Điều tôi muốn là nhân chuyện này, chúng ta xét lại thái độ của những người được xem là ông chủ, bà chủ. Những người có tiền, có thể làm chủ. Nhưng họ phải hiểu được rằng, giá trị của con người không phải nằm ở chỗ là chủ hay người làm thuê, mà ở chỗ nhân cách thế nào. Nhiều người nghèo, họ đi làm thuê nhưng nhân cách, phẩm giá của học rất đáng trọng; họ biết ứng xử có trên, có dưới; họ hướng tới cái thiện, cái đẹp; tránh cái ác, cái xấu.
Những người chủ mà ác như cô Hà không chỉ xứng đáng bị pháp luật trừng phạt, xã hội nguyền rủa, mà còn bị xem lại nguồn gốc xuất thân, môi trường giáo dục. Chúng ta làm điều này không phải để cho người thân của cô Hà bị đau đớn, mà là để hiểu được cái ác ghê gớm từ đâu ra.
Nghè Nghệ/TC GĐ&TE