“Ghét của nào trời trao của ấy”
Tính Minh phóng khoáng, thoải mái bao nhiêu thì Ngọc - vợ anh lại ki bo, tiết kiệm bấy nhiêu. Lần nào gặp nhau, Minh cũng than vãn là cuộc sống gia đình đang rất ngột ngạt khi Ngọc sống quá tiết kiệm. Ngọc đang là chuyên viên một sở ở Hà Nội, còn Minh là trưởng phòng của một công ty truyền thông. Sau khi kết hôn, hai bên gia đình nội - ngoại đã cùng chung tay mua tặng vợ chồng Minh căn chung cư hơn 80m2 gần trung tâm thành phố. Kinh tế không khó khăn nhưng Ngọc cho rằng cần phải tiết kiệm triệt để ngay từ bây giờ để sau này có tiền cho con đi du học. Mới hơn 20 tuổi nhưng lúc nào Ngọc cũng ăn mặc như phụ nữ 40. Thì ra, Ngọc không dám chi tiền mua sắm quần áo mà thường mặc lại đồ của mẹ và các chị gái trong nhà. Nhiều lần Minh xa gần góp ý Ngọc không cần phải quá tiết kiệm, phụ nữ cần mua vài bộ cánh cho hợp tuổi và vài phụ kiện trang điểm… Thế nhưng, Ngọc vẫn khăng khăng rằng, con người đẹp là ở cái nết chứ quần áo chỉ là vật phù phiếm bên ngoài. Giờ Ngọc đã có chồng con rồi thì ai ngắm nữa mà phải mua quần áo và mỹ phẩm đắt tiền làm gì cho lãng phí. Những bộ quần áo của mẹ và các chị cho vẫn còn tốt chán… Nói mãi vợ không thay đổi, Minh đành mặc kệ.
Còn nhớ, khi chuẩn bị đám cưới, Ngọc đã bắt Minh chở đi khắp thành phố, đến mấy chục cửa hàng để chọn chỗ chụp ảnh cưới giảm giá, chỗ mua giường cưới khuyến mại, chỗ mua đệm - chăn - ga - gối hàng sale. Sau khi cưới, Minh đã lên kế hoạch hai vợ chồng sẽ đi tuần trăng mật ở Đà Lạt. Thế nhưng, Ngọc gạt phắt ngay, nói là cơ quan đang rất nhiều việc, không thể xin nghỉ được. Sau này, Minh tình cờ phát hiện, Ngọc nói bận là lo đi trăng mật sẽ tốn một khoản kha khá. Có hôm đi làm về, Minh thấy nhà cửa tối thui, hóa ra, để tiết kiệm điện, Ngọc không dám bật đèn to mà chỉ bật đèn ở máy hút mùi để lấy ánh sáng nấu ăn. Nhà có máy giặt nhưng Ngọc không dám giặt máy vì sợ tốn điện, nước. Từ quần áo mùa hè đến áo khoác mùa đông, Ngọc đều mang ra giặt tay và bắt Minh phụ giúp. Máy giặt nhà Minh giờ chỉ sử dụng mỗi chức năng vắt.
Lâu lâu, nhà có khách hay đón bố mẹ hai bên ra chơi, Minh cũng muốn mua những món ngon, đãi khách đàng hoàng một chút, thế nhưng Ngọc lại luôn bàn lùi. Ngọc nói, mọi người đến chơi tình cảm là chính, ăn uống không quan trọng, cứ đơn giản là được. Vậy là Ngọc đi chợ mua toàn những món xoàng xoàng như ăn cơm thường ngày. Đặc biệt, trong bữa cơm, Ngọc luôn miệng nói thực phẩm dạo này sao mà đắt đỏ, thịt lợn tăng mấy giá so với tháng trước, gà ta giờ ở thành phố những hơn 100 ngàn 1kg, đến rau các loại cũng đắt hơn ở quê mấy lần… làm khách chả dám gắp gì, còn Minh thì ngượng đỏ mặt.
Minh đang nghĩ, không biết trên đời này có người vợ nào lại “siêu tiết kiệm” như vợ mình không?

Ảnh minh họa (Internet)
Vợ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”
Phong và vợ quen rồi yêu nhau gần 3 năm mới cưới nên tính tiết kiệm của Hương, Phong cũng đã biết. Thấy người yêu tiết kiệm trong mọi chi tiêu, sinh hoạt, Phong có chút băn khoăn và kể với mẹ. Mẹ anh nói: “Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom. Lấy được vợ căn cơ tiết kiệm là có phúc con ạ!”. Phong yên tâm và quyết định làm đám cưới. Nhưng khi về ở cùng nhau rồi, cái tính quá tiết kiệm của vợ khiến Phong khổ sở.
Tối nào, Hương cũng lục đục ghi ghi, chép chép, ngồi liệt kê xem hôm nay tiêu hết bao nhiêu tiền, có khớp không. Nếu tiền khớp thì Hương yên tâm đi ngủ, còn chỉ cần số tiền chi ra lệch 5.000đ là cả đêm Hương trăn trở, ngủ không ngon giấc. Tháng nào nhận hóa đơn điện nước, mấy bố con Phong cũng không yên, vì Hương sẽ mang hóa đơn mấy tháng liền nhau ra so sánh, rồi thắc mắc là làm sao tháng này tiền nước lại tăng 10.000 đồng so với trước; hay chắc mấy bố con dùng điện không tiết kiệm nên tháng này phải đóng vượt những 15.000 đồng… Đợt nắng nóng cao điểm hè lên đến 400C mà Hương không cho các con bật điều hòa. Cùng lắm, Hương cho phép bật điều hòa khoảng 3 tiếng rồi nửa đêm cô sẽ dậy tắt. Cái quạt điện bật hết công suất cũng không thể xua tan không khí oi bức, vậy là cả đêm bọn trẻ trằn trọc, lăn ra lăn vào, sáng ra vô cùng mệt mỏi. Vợ chồng cũng lục đục, cãi vã vì những chuyện như vậy.
Quần áo thì Hương luôn mua những hàng sale, hàng đổ đống, hàng lỗi mốt. Cứ săn được thông tin ở đâu bán quần áo hạ giá là Hương tìm đến ngay. Có lần, Hương mua về một đống quần áo rẻ tiền cho chồng con, nhưng đó đều là hàng pha nhiều nilon mặc rất nóng và chỉ sau mấy lần giặt là chúng đã nhàu nhĩ, bạc màu. Thấy quần áo nhanh hỏng, Hương lại quay ra cằn nhằn chồng con mặc không biết giữ gìn.

Ảnh minh họa (Internet)
Cả nhà Hương chưa khi nào đi nghỉ riêng mà cô chỉ cho con đi khi cơ quan Phong hoặc cơ mình cho cán bộ đi nghỉ mát. Hè vừa rồi, do con trai đỗ vào trường chuyên nên Phong quyết định cả nhà sẽ đi biển. Thế nhưng, vì tính chi ly, tiết kiệm của Hương mà kỳ nghỉ của gia đình bị biến thành kỳ đi hành xác. Với triết lý đi du lịch thì chả ở trong phòng mấy mà chủ yếu đi thăm thú, tắm biển nên thay vì đặt phòng ở khách sạn, Hương đặt phòng ở nhà trọ. Vậy là đêm nóng như lửa, nhà trọ mất điện phải dùng máy phát, điều hòa phập phù, cả đêm 4 người thay nhau vào nhà vệ sinh tắm. Đấy là chuyện ở, còn chuyện ăn cũng khổ không kém. Bữa nào đi ăn Hương cũng so đo tính toán, chỉ sợ ăn tốn nhiều tiền, mặc cho Phong đã bảo vợ cứ tiêu thoải mái một chút, vì lâu lắm cả nhà mới đi nghỉ. Hương thường tranh thủ buổi sáng đi dạo để mua một mớ bề bề, tôm hoặc ghẹ bé tẹo của dân chài rồi về nhờ chủ nhà trọ hấp hộ. Nhìn món hải sản Hương mua, Phong và các con chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Đi nghỉ mát mà phải ở khổ, ăn không được bữa ngon, các con Phong tuyên bố những năm sau không đi nghỉ nữa.
Phụ nữ tiết kiệm cho gia đình là tốt, nhưng “siêu tiết kiệm” như Ngọc, như Hương nhiều khi làm những người sống cùng cảm thấy khó chịu, có những tình huống họ còn khiến chồng con xấu hổ, thậm chí mất mặt.
Hồng Trần/GĐTE