Khởi đầu
Cuối tháng 5/2018, có mấy cô gái lạ đến gặp nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại và nói: “Chúng em dự định tổ chức một chuỗi hoạt động tri ân tại Ngã ba Đồng Lộc. Anh có thể viết cho bọn em một vở kịch để diễn được ở đó gây sự chú ý cho đồng bào không”? Nhà thơ hỏi, các cô đã biết Đồng Lộc chưa? Các cô đáp: Chưa. Lại hỏi, các cô có ai biết về nghệ thuật không. Đáp: Không. Hỏi: Ai giới thiệu? Đáp: Một anh nhà báo ở Tạp chí Gia đình & Trẻ em. Nhà thơ trả lời: Tôi không hứa, nhưng một tuần sau hãy quay lại.
Đêm đó, nhà thơ suy nghĩ: Những cô gái 8X, chưa từng biết về chiến tranh, chưa từng biết đến Hà Tĩnh mà vẫn hướng về Đồng Lộc với một lòng biết ơn sâu sắc. Tại sao mình không làm một cái gì đó hướng về Đồng Lộc vào dịp 50 năm ngày mất của các cô? Việc tặng quà tri ân hay xây nhà tình nghĩa là rất đáng quý, đã có nhiều người làm; nhưng quý hơn, có lẽ với người viết là xây dựng một ngôi nhà tinh thần. Đã có hàng nghìn bài báo, bài thơ; đã có nhiều bộ phim về Ngã ba Đồng Lộc, nhưng sân khấu thì chưa. Và chưa có tác phẩm nào tái hiện cuộc sống các cô trong cái bình dị hàng ngày, trong sự chân thực tối đa từ lời ăn, tiếng nói đến những hành động anh hùng. Nói gì với tuổi trẻ hôm nay? Nhà thơ nghĩ không phải nói gì cả và không nên nói những lời lẽ đẹp đẽ mà hào nhoáng. Hãy để tuổi trẻ nhìn thấy, nghe thấy các cô và những người lớp trước đã sống như thế nào. Từ đó, họ quyết định hành vi của mình. Và ông có một niềm tin chắc chắn rằng: những sự thật vĩ đại không cần tô vẽ, hư cấu ấy sẽ có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Là người có vốn sống về chiến tranh, lại là người con của chính quê hương Can Lộc; một nhà báo từng viết nhiều về Đồng Lộc, chỉ trong vòng hai tuần, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã hoàn thành kịch bản văn học “Khoảng trời con gái”. Và ông đã đề nghị với tỉnh Hà Tĩnh cho vở diễn này tham gia vào chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc. Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và vở diễn được phê duyệt là hoạt động nghệ thuật mở đầu cho chuỗi hoạt động chính thức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc. Nếu xét về kỷ lục, thì đây là vở kịch có kỷ lục được viết nhanh nhất, dàn dựng nhanh nhất và lấy được nhiều nước mắt của khán giả nhất.



Cảnh trong vở "Khoảng trời con gái".
Dư âm của những đêm diễn
Duyên may của kịch bản là được sự nhận lời dàn dựng của NSND Hồng Lựu và Nhà hát Dân ca Nghệ An, NSND Lê Hùng đạo diễn; NSƯT Đình Đắc soạn nhạc.
Xem xong buổi diễn đầu tiên vào ngày 10/7/2018 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh, nhà báo Bùi Minh Huệ, Phó tổng biên tập Báo Hà Tĩnh viết: “Lâu lắm rồi tôi mới thấy khán giả Hà Tĩnh ngồi kín chỗ, lên cả tầng 2 Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để xem kịch, say sưa từ đầu đến cuối. Ra về, nhiều đôi mắt còn nhòe lệ. Tôi may mắn được tác giả gửi xem kịch bản “Khoảng trời con gái” khi Nhà xuất bản Văn học vừa mới ấn hành, rồi được mời tham dự buổi tổng duyệt ở Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ngay từ đầu, tôi đã nhận rõ sự chuẩn xác về tư liệu lịch sử và tính chính trị tư tưởng, tính nhân văn sâu sắc của kịch bản”.
Nhà báo Anh Tuấn viết trên Viettimes: “Bà Ngô Thị Bé, một cựu thanh niên xung phong nói với tôi: “Tôi khóc suốt từ đầu đến cuối vở kịch, nước mắt cứ tự chảy ra, ôi thương lắm những đồng đội của tôi… Còn bà Nguyễn Thị Hằng 62 tuổi thì nói: Tôi là người đã sống ở Đồng Lộc những năm ác liệt đó, tôi thấy vở kịch đã phản ánh đúng như những gì đã diễn ra”...

Nước mắt khán giả.
“Khoảng trời con gái” là vở kịch nói giàu chất thơ gồm 2 hồi, 9 cảnh, được nghệ sĩ An Ninh thêm vào một số làn điệu dân ca. Với thời lượng 105 phút, "Khoảng trời con gái" đã miêu tả một cách chân thực và sinh động nhất về cuộc sống bình dị mà cao đẹp trong chiến đấu gian khổ của các cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc. Giữa những gian khổ, hy sinh vẫn có những mối tình đẹp, nên thơ của chị Võ Thị Tần và anh Nguyễn Đức Hồng, sự lạc quan trong tiếng hát và ước mơ của chị Trần Thị Hường, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng... Nhiều chi tiết trong vở kịch đã gây xúc động, ấn tượng mạnh cho người xem như màn gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với A4 ở Đồng Lộc, buổi chiều cuối cùng của 10 cô gái… Cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng và những nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc là bức tranh đẹp, sinh động về chiến tranh nhân dân. Đây là câu chuyện có thật, lần đầu được đưa lên sân khấu.
Chỉ bằng những chi tiết dung dị, sử dụng tài tình các chất liệu văn học, điện ảnh… theo xu hướng tích hợp để tận dụng thế mạnh của các loại hình nghệ thuật và phương tiện kỹ thuật, vở kịch đã tạo nên những ấn tượng mạnh và khác lạ cho người xem.
Sau hai đêm diễn ở Hà Tĩnh, nhiều địa phương đã đăng ký với Nhà hát để dược xem “Khoảng trời con gái”. Đêm công diễn đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh, một nhà hát có sức chứa 750 chỗ ngồi, đã có hơn 1.000 khán giả đến xem. Đêm diễn thứ hai vào ngày 12/7 tại Ngã ba Đồng Lộc có khoảng 4.000 khán giả.
Tác giả Nguyễn Sĩ Đại cho biết, đây là tác phẩm tâm huyết của đời ông. Và vở kịch làm ra là để tri ân, nên ông muốn nhân dân Can Lộc, nhân dân Hà Tĩnh là những người xem trước. Khi viết vở kịch này, ông có hai quan điểm nghệ thuật rõ ràng: Một là tích hợp, hai là viết như thật. Sự thật cuộc sống thời chống Mỹ đẹp đến nỗi, không cần đến hư cấu cũng đủ lay động lòng người. 10 cô gái Đồng Lộc đang ở tuổi đẹp nhất của đời người, các chị không phải sinh ra đã anh hùng, không phải là thần thánh. Mà chính con người bình thường ấy mới khiến các chị trở nên gần gũi và bất tử. Trong tác phẩm, tác giả muốn nhấn mạnh, muốn làm rõ cái đẹp, cái hay, cái bình thường của cuộc đời con gái. “Khoảng trời”, đây là khoảng trời xanh của thời con gái, là bầu trời xanh Can Lộc; là cái hữu hạn trong cuộc đời 20 tuổi của các cô đồng thời là sự cao cả vĩnh hằng. Đại đội TNXP 552, trước khi vào Đồng Lộc, đã có thời gian dài đóng quân tại Phú Lộc quê hương ông. Chính tình cảm thân thiết ấy, như là các chị đã lựa chọn để ông viết nên vở kịch này.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tác giả vở kịch “Khoảng trời con gái”quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là TS Văn học, Thành viên Hội đồng Thẩm định Truyền hình Nhân dân; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là người từng đội bom đạn ở quê mình thập kỷ 60, từng sống với Tổng đội Thanh niên xung phong 55, là chiến sĩ quân đội trong chiến tranh chống Mỹ.
Hoàng Nguyễn/GĐTE