
Các nhà báo không cần phải viết nhiều về chân dài, đại gia, đám cưới đầy vàng nữa, mà nên viết về những người bình thường làm những việc có ý nghĩa. Ảnh: KT
Trời ơi, “bội thực” rồi!
“Liên minh” chân dài - đại gia đã trở nên phổ biến và nhàm chán. Hình như chỉ có những nhà báo viết về họ là cảm thấy không nhàm chán mà thôi? Vào google, gõ “chân dài - đại gia”, chỉ sau 0,38 giây có ngay 2.040.000 kết quả. Con số này nói lên việc các nhà báo “chăm chỉ” viết về họ như thế nào. “Bội thực” mất rồi!
Vẫn biết báo chí thời kinh tế thị trường thì phải câu khách, phải có những tin, bài hấp dẫn để thu hút bạn đọc. Nhưng những thông tin về người đẹp, người giàu quá nhiều trên báo, nhiều đến nỗi bạn đọc phát bực. Họ đi đâu, làm gì, ăn gì, mặc như thế nào đều được đưa lên báo hết. Những thông tin ấy phỏng có ích gì?
Rồi chuyện đại gia cưới chân dài kém nhiều tuổi và trong đám cưới thì đầy vàng cũng có gì là lạ? 1 lượng vàng nay có khoảng 36 triệu đồng, họ có hàng chục ngàn tỷ đồng; họ chỉ cần bỏ ra vài tỷ là vàng đeo đầy người. Trong trường hợp vàng làm gãy cổ thì viết vì nó độc, lạ, còn không thì thôi. Đằng này, việc họ tháo vàng ra, quàng vàng vào cũng viết. Nhảm nhí quá rồi!
Làm khác đi được không?
Cần phải hiểu rằng, một số người khi đã thành “sao”, họ rất vui, thậm chí là đầy khoái trá khi thấy tên tuổi của mình tràn ngập các trang báo, bất kể đấy là thông tin có tính ca ngợi hay phê phán. Chính vì vậy, để tên tuổi của mình luôn nóng, họ có rất nhiều chiêu trò. Chuyện ăn mặc hở hang là chiêu rẻ tiền nhưng lại đầy hiệu quả. Vì vậy, từ nay trở đi khi thấy ca sĩ, người mẫu, á hậu, hoa hậu… mặc váy áo xuyên thấu thì không cần phải đưa tin nữa. Chỉ đưa tin khi họ bị phạt, bị đuổi ở sự kiện nào đấy. Hoặc, nếu ai đủ “trình” thì phân tích, đánh giá cách ăn mặc của họ, “đo” xem trình độ văn hóa, thẩm mỹ của họ thuộc loại nào.
Tôi biết là báo chí hiện nay bị săm soi rất kỹ, viết hớ một chút về những chủ đề liên quan đến “quốc kế, dân sinh” có thể bị phạt, bị tước Thẻ nhà báo như chơi nên một số nhà báo “ngán” những đề tài như thế. Có vẻ như viết về chân dài, đại gia là an toàn hơn cả. Có nói hớ, nói sai thì họ cũng chẳng kiện tụng; các cơ quan chức năng cũng không quan tâm. Tuy nhiên, cuộc sống này còn nhiều lĩnh vực cần được phản ánh. Ví dụ, ai là những người vô cảm, ai là những người sốt sắng với cuộc đời này; ai tốt, ai xấu thông qua những hành động của họ.
Tôi nghĩ, các nhà báo không cần phải viết nhiều về chân dài, đại gia nữa, mà nên viết về những người bình thường làm những việc có ý nghĩa.
Nghè Nghệ/Tạp chí GĐ&TE