
Xe buýt ở Việt Nam hiện chưa có thiết kế thuận lợi cho người khuyết tật.
1.Cuối cùng, sự việc cũng êm xuôi, đôi bên nhận ra thiếu sót của mình, dư luận lắng xuống và Vân vẫn lựa chọn di chuyển bằng hàng không, một lựa chọn tối ưu nhất của những người khuyết tật cho việc dịch chuyển của mình. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, lại tiếp diễn việc người khuyết tật bị từ chối dịch vụ vận tải công cộng. Nhân viên hãng xe buýt tuyến Hội An (Quảng Nam) từ chối, không cho một người khuyết tật sử dụng xe lăn được lên xe, lại một lần nữa khiến cộng đồng người khuyết tật nhức nhối. Theo các quy định của Luật Người khuyết tật Việt Nam, việc các cơ sở hạ tầng giao thông phải đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật có thể sử dụng và tham gia giao thông được quy định rất rõ ràng. Không những thế, họ - những người khuyết tật được pháp luật đảm bảo sự ưu tiên khi họ có nhu cầu tham gia giao thông.
Anh Trương Công Nghiêm - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng, đã rất bức xúc trình bày trong công văn kiến nghị lên chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: “Sự việc lái và phụ xe số 29B - 008.69 chạy tuyến Đà Nẵng - Hội An từ chối chở người khuyết tật đã vi phạm đến nhân phẩm của những người khuyết tật, theo điều 42 của Luật Người khuyết tật quy định”.
Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã có chỉ đạo cho Sở Giao thông vận tải vào cuộc. Ngày 21/2, chỉ sau 1 ngày nhận công văn kiến nghị của Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng về việc xe buýt từ chối chở người khuyết tật mà Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo, Hợp tác xã vận tải TB & DL đã ra quyết định số 02 và 04/ QĐ-HTX quyết định đình chỉ lái xe buýt 1 tháng với lái xe Phan Nguyễn Huy Lâm và 3 tháng với phụ xe Lê Xuân Tường.
Sau khi quyết định có hiệu lực, cộng đồng người khuyết tật đều rất vui khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, sự tôn trọng quyền chính đáng của người khuyết tật từ nay đã có một bài học nhỡn tiền đắt giá. Nhưng với cá nhân tôi, cũng là một người khuyết tật, tôi cũng đã từng nhiều lần “được” các tiếp viên bế xuống máy bay thay cho việc được sử dụng xe chuyên dụng, lại thấy có chút buồn.
Tôi buồn vì anh lái, phụ xe kia bị nghỉ việc thì gia đình họ sẽ sống ra sao khi việc họ từ chối, không chuyên chở những người khuyết tật cũng có lý do khách quan của nó, khi những chiếc xe buýt hiện nay không hề có khoảng trống cho những chiếc xe lăn có thể ở đúng vị trí, và càng không có bất kỳ một thiết bị khóa, hãm an toàn nào cho những chiếc xe ấy trên cả một hành trình có thể gặp nhiều bất trắc. Rất có thể, ở đây còn có sự mỏi mệt, cả sự bất tiện khi phải bế người khuyết tật lên, xuống tại các điểm đỗ, khi cả ngày đã làm họ mệt nhoài…
Giá như, trước khi được nhận vào làm việc, họ được trang bị các kỹ năng ứng xử tôn trọng với mọi hành khách. Giá như, tất cả các công trình công cộng: bệnh viện, trường học, công viên, vỉa hè, điểm chờ xe buýt... đều được thiết kế thuận lợi cho những hành khách khuyết tật có thể lăn xe lên – xuống dễ dàng. Giá như những chiếc xe buýt, những chiếc phi cơ đều được trang bị thang nâng cho hành khách sử dụng xe lăn, thì chắc câu chuyện buồn về hai người lái xe bị đuổi việc sẽ không còn.

Tiếp viên hàng không cõng người khuyết tật xuống thang máy bay.
2.Trên vỉa hè thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) có những con đường nhỏ lát gạch có gờ nổi đặc biệt dành cho những người khiếm thị, nhưng vẫn có những gánh hàng rong ngồi chiếm chỗ. Những con tầu điện ngầm tại Bangkok (Thái Lan) đều có khoang đặc biệt dành riêng cho người đi xe lăn nhưng vẫn có những hành khách thờ ơ khi người khuyết tật muốn được hỗ trợ. Tôi đã từng rất xúc động khi viên cảnh sát trên đại lộ ở Sydney (Australia) giơ chiếc gậy dẫn đường hướng dẫn làn ô tô dừng lại cho tôi băng qua đường, nó khiến tôi nhớ lại câu chuyện “Những tấm lòng cao cả”. Trong câu chuyện ấy, bố của Erico đã quay úp mặt bức tranh vẽ anh hề gù vào tường khi Antonio, cậu bạn vẹo sột sống của con đến nhà chơi, và cả câu chuyện về cô bé Any ở nước Mỹ xa xôi nữa.
Một bản án khiến người ta khiếp sợ. Bản án ấy có thể răn đe nhiều anh lái xe nữa phải thay đổi hành vi, nhưng bản án ấy nó cũng rất có thể tạo nên một barie vô hình ngăn thiện cảm của cả xã hội với cộng đồng những người yếu thế. Nếu như bên cạnh việc xử lý vi phạm không có việc giáo dục, cảm hóa để người ta “tâm phục, khẩu phục” thì rất có thể, bản án kia chỉ như một tai nạn nghề nghiệp.
Cái barie nào cũng có thể được dỡ bỏ khi nhận thức của người dân về vấn đề có liên quan được nâng lên, khi họ biết rằng, “khiếm khuyết và khuyết tật là giai đoạn của một đời người”, bởi khi chúng ta già đi, tai nghễnh ngãng, mắt lòa và đôi chân chậm chạp thì câu chuyện khuyết tật kia đâu có là câu chuyện của 7,8% dân số Việt Nam và của hơn 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới.
Từ trái tim mình, tôi muốn hai anh lái xe ấy lại được đi làm từ ngày mai, ngày đầu tiên đánh dấu sự nhận thức về quyền của mọi hành khách như nhau. Tôi không muốn ai bị thất nghiệp vì lý do có liên quan đến những người khuyết tật.
Khiếm khuyết và khuyết tật là giai đoạn của một đời người”, bởi khi chúng ta già đi, tai nghễnh ngãng, mắt lòa và đôi chân chậm chạp thì câu chuyện khuyết tật kia đâu có là câu chuyện của 7,8% dân số Việt Nam và của hơn 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới.
Hoàng Phúc/GĐ&TE