Ảnh hưởng lan rộng của dịch bệnh Covid-19 không nhất thiết phải mang ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực: với nhiều công ty, đây có thể coi là cơ hội để cải tổ lại quá trình hoạt động. Và chuyển đổi online có lẽ sẽ là một hoạt động thiết yếu: không chỉ tối ưu quy trình, cắt giảm chi phí hoạt động và mở ra những cơ hội kinh doanh mới, việc đưa hoạt động công ty lên máy chủy còn là cách để duy trì doanh thu bất chấp những nghịch cảnh tương tự như Covid-19 hiện nay. Khi đã chuẩn bị xong một nền tảng công việc hoàn hảo, những gì nhân viên cần chỉ là một cỗ máy và kết nối mạng - di chuyển đến công ty không còn là một yêu cầu bắt buộc nữa.
Nhưng chuyển đổi số không thể là một "công tắc tức thời" mà bất cứ công ty nào có thể thực hiện trong nháy mắt. Kể cả khi đã sở hữu một bộ phận IT chuyên nghiệp - và thậm chí là khi hệ thống làm việc của tương lai đã thành hình, chuyển đổi online vẫn có thể thất bại.
Cần có một ai đó
Lý do cho những thất bại không tưởng ấy: để có thể đưa quy trình lên mây, các công ty không chỉ cần "online hóa" chu trình làm việc mà còn cần số hóa dữ liệu của mình nữa. Thử đặt tình huống là một công ty bán hàng, nhân viên sale in đơn hàng từ khách chuyển xuống kho, nhân viên kho chuyển hàng cho nhân viên giao và lấy chữ ký để xác thực, nhân viên giao hàng lấy được chữ ký của khách bèn về giao lại hóa đơn cho kế toán. Đến khi toàn bộ quy trình được chuyển lên mây, hệ thống quản lý đơn hàng có vô số cách để thất bại: không tìm thấy thông tin món hàng đã mua trên hệ thống, không tìm thấy thông tin khách hàng đã lưu theo số điện thoại, không tìm thấy thông tin nhân viên giao hàng…
Đọc đến đây có lẽ bạn đã nhận ra, rõ ràng là phải có ai đó chịu trách nhiệm "số hóa" tất cả các thông tin từ trước đến nay vào hệ thống mới. Các công ty tiết kiệm sẽ yêu cầu nhân viên từng bộ phận tự nhập liệu, nhưng đó quả là một điều không nên vì làm như vậy sẽ giảm năng suất công việc chính của bộ phận đó.
Thế là nghề "nhập chữ" xuất hiện.
"Nhập chữ" có yêu cầu gì
Không nhiều. Kỹ năng duy nhất đòi hỏi ở một người nhập chữ chỉ là đánh máy khi họ cần đọc các văn bản, chứng từ có sẵn của công ty và nhập liệu vào hệ thống mới. Các nội dung cần nhập liệu có thể rất đa dạng (danh mục hàng hóa kinh doanh, đơn hàng, sổ địa chỉ v…v…), nhưng kỹ năng duy nhất người "nhập chữ" cần có chỉ là biết đánh máy mà thôi.
Vì sao nghề này (rất có thể) sắp được phổ biến rộng rãi
Thực tế là nghề này đã có từ trước Covid-19, khi nhiều công ty bắt đầu chuyển đổi online. Nhưng khi dịch bệnh bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, rất có thể quá trình chuyển đổi online sẽ được thúc đẩy sau khi các lệnh cách ly được gỡ bỏ. Như chúng tôi đã từng phân tích, đây là lúc các công ty nhận ra sự cần thiết của việc đưa quy trình làm việc "lên mây". Và nếu họ chủ yếu làm việc trên giấy tờ, nếu họ không có đủ tiền để mua các giải pháp phần mềm nhận diện chữ viết (OCR) hiệu quả, họ sẽ buộc phải tìm cho mình một đội ngũ "nhập chữ".
Quan trọng hơn, vào lúc này, nhiều công ty đang phải cắt giảm hoạt động. Và điều đó tạo thành một "khoảng lặng" thời điểm tuyệt vời để họ tiến hành số hóa những dữ liệu đang có trong tay, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi online lâu dài sắp diễn ra.
Nghề này có phát triển lâu dài được hay không?
Đáng tiếc là không. Kỹ năng đánh máy không phải là một thứ quá hiếm hoi trong thời đại này, do đó thu nhập dành cho nghề nhập chữ cũng thực sự rất thấp.
Bù lại, đó vẫn là một nghề dễ làm và thực sự cần thiết trong thời đại chuyển đổi online. Nếu có nhiều thời gian rảnh, nếu đã có kỹ năng đánh máy và đang tìm kiếm một nguồn thu nhập mới trong thời đại ai ai cũng nên ở nhà, bạn hãy thử tìm kiếm công việc này xem sao.
Tìm hiểu thêm thông tin về Hệ thống lưu trữ và khai thác dữ liệu CRM tại Đây