Ngọn cờ cách mạng trên quê hương Thiệu Hóa
Sự kiện Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa vào ngày 10/7/1930 tại nhà thờ họ Vương ở thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (huyện Thiệu Hóa) là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Sau khi ra đời, với chủ trương đúng đắn, Chi bộ Phúc Lộc đã tích cực phát triển đảng viên và mở rộng phạm vi hoạt động. Đến tháng 6/1938, huyện Thiệu Hóa đã có 6 chi bộ. Ngày 20/4/1939, tại làng Yên Lộ diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ huyện.
Theo lịch sử, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ban lâm thời Cấp ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho đồng chí Lê Công Thanh trực tiếp chỉ đạo thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Mùa hè năm 1930, đồng chí Lê Công Thanh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (ở làng Liên Hợp, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là đảng viên trở về tiến hành thành lập Đảng bộ Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp nhanh chóng bắt liên lạc với số hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khu vực Thiệu Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân; lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên và chủ trì các hội nghị: Ngày 10/7/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thiệu Hóa được thành lập tại nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), gồm 4 đảng viên: Vương Xuân Cát, Ngô Ngọc Toản, Hoàng Trọng Bình, Lê Xuân Mạc, do đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư.
Đây là một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thiệu Hóa. Kể từ đây, nhân dân Thiệu Hoá được tập hợp, đoàn kết lại, đấu tranh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh. Sau khi ra đời, Chi bộ Thiệu Hóa đã tích cực phát triển đảng viên và mở rộng phạm vi hoạt động. Đến tháng 6/1938, Thiệu Hoá đã có 6 chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Thiệu Hóa, Chi bộ Hàm Hạ (huyện Đông Sơn) và Chi bộ Yên Trường (huyện Thọ Xuân) là tiền đề để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ ở làng Yên Trường (Thọ Lập, Thọ Xuân). Hội nghị đã cử ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa gồm 3 đồng chí: Lê Thế Long, Vương Xuân Cát, Lê Văn Sỹ và cử đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt quan trọng đối với đảng bộ, nhân dân trong phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa. Chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài của phong trào cách mạng do thiếu sự lãnh đạo của một chính Đảng.
Tiếp nối truyền thống cách mạng
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân Thiệu Hóa tiếp tục vượt qua bộn bề khó khăn, vừa củng cố và bảo vệ thành quả cách mạng, vừa xây dựng Thiệu Hóa trở thành hậu phương vững mạnh, đóng góp sức người, sức của cho các chiến trường. Trong kháng chiến chống Pháp, huyện có hàng ngàn người đi bộ đội, dân công, 7.277 bộ đội chủ lực, 303 bộ đội địa phương, 3.123 dân quân du kích và 4.261 tự vệ chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiệu Hoá là nơi luyện quân, an dưỡng của các đơn vị quân chủ lực, là nơi sơ tán của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và các cơ quan cấp tỉnh, đón tiếp nuôi dưỡng hàng ngàn con em Quảng Bình, Vĩnh Linh (Học sinh K8); làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến. Toàn huyện đã huy động 18.176 thanh niên nhập ngũ, 7.500 thanh niên xung phong, 5.160 dân công hỏa tuyến và hàng vạn ngày công làm trận địa trực chiến, đóng góp xứng đáng cùng quân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, thu non sông về một mối.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Đảng bộ và nhân dân Thiệu Hóa bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân Thiệu Hóa chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng: Kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân tiếp tục được cải thiện. Quốc phong, an ninh ngày càng được củng cố vững chắc. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được xây dựng ngày càng vững mạnh. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết qủa quan trọng, đến nay có 17/27 xã đã được công nhận xã nông thôn mới.
Ngày nay đến với Thiệu Hóa, miền quê giàu truyền thống cách mạng đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường liên thôn được mở rộng và đổ bê tông, những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, sạch đẹp mọc lên san sát, bên những cánh đồng lúa xanh mướt... như minh chứng cho một cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc của người dân vùng quê cách mạng năm xưa.
Ông Vương Xuân Hạt, Trưởng tộc, hậu duệ thứ 32 dòng họ Vương, người trực tiếp trông coi nhà thờ họ Vương cho biết: "Năm nay tôi đã 60 tuổi, ngay từ khi lớn lên tôi đã được ông nội rồi bố mình căn dặn phải phấn đấu, rèn luyện để trở thành người con tốt, công dân gương mẫu, xứng đáng với truyền thống cách mạng mà cha ông đã để lại. Giờ đến các con tôi cũng vậy, chúng hiện đã trưởng thành, thoát ly công tác tại cơ quan nhà nước, nhưng tôi luôn căn dặn các con phải luôn lưu giữ truyền thống cách mạng của dòng họ Vương".
Hiện nhà thờ họ Vương đang được ông Vương Xuân Hạt - cháu đích tôn của cụ Vương Xuân Cát - Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa trực tiếp trông coi, bảo vệ. Ông Hạt cho biết thêm: "Nhiều năm qua tôi vẫn luôn răn mình phải luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, kiên nhẫn, kiên định trong mọi hoàn cảnh. Ông cũng cho biết thêm, dòng họ Vương có 45 hộ, 75 đinh. Mỗi một năm dòng họ tế hai lần tại di tích vào ngày rằm tháng 2 và tháng 7. Trong dòng họ có nhiều người thành đạt"
Tại di tích cách mạng nhà thờ họ Vương, nhiều năm nay cũng đã được tỉnh đầu tư tôn tạo xứng tầm. Năm 2012, nhà thờ đã được tôn tạo với các hạng mục gồm nhà tiền tế, hậu cung và nhà truyền thống với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Năm 2017, tiếp tục phục dựng lại ngôi nhà cổ và tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục của di tích với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều năm qua, huyện Thiệu Hóa thường tổ chức cho các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan tại di tích.
Từ năm 2014, di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh. Đây là việc làm thiết thực giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào nhiều hơn về truyền thống cách mạng của quê hương. Vào những đợt kết nạp đảng viên mới, ngày thành lập đoàn thanh niên, xã Thiệu Tiến đã tổ chức đưa lớp trẻ đến dâng hương, làm lễ chào cờ tại nhà thờ họ Vương, giúp thế hệ trẻ lưu giữ truyền thống cách mạng cha ông. Trong công cuộc đổi mới, Thiệu Tiến luôn đi đầu phong trào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Toàn xã hiện có trên 250 đảng viên. Phấn đấu đến hết năm 2020, xã chỉ còn dưới 2% hộ nghèo.