Những ngày gần đây, liên tục các vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ làm pháo tự chế. Chỉ trong một tháng gần đây nhất, riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 4 - 5 trường hợp học sinh bị tai nạn do pháo nổ.
Đa số bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay, bị mất 3 - 4 ngón tay, tổn thương mắt, cụt tay...
Được biết, những học sinh này đã lên mạng để xem hướng dẫn cách làm pháo và tìm mua các nguyên vật liệu về để tự làm pháo.
Pháo tự chế là sản phẩm làm thủ công từ các hóa chất và vật liệu dễ cháy nổ như giấy, nhựa hoặc chai thủy tinh. Các thành phần hóa học như kali clorat, bột nhôm và lưu huỳnh khi trộn không đúng tỷ lệ hoặc xử lý không cẩn thận có thể gây nổ mạnh.
Những vụ nổ pháo tự chế có thể phát sinh bất cứ lúc nào, đặc biệt trong quá trình thử nghiệm và thường gây ra hậu quả nghiêm trọng như cháy nhà, thương tích nặng, thậm chí tử vong.
Các chấn thương do pháo tự chế thường bao gồm bỏng, mất chi hoặc tổn thương vĩnh viễn, gây ảnh hưởng lâu dài không chỉ về mặt thể chất mà còn tâm lý của nạn nhân. Tác động xã hội từ những vụ tai nạn này cũng rất lớn, làm tổn thất tài chính cho gia đình và tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế.
Không phải đến giờ mà tình trạng làm pháo tự chế đã xuất hiện ở nhiều nơi từ nhiều năm nay, nhất là vào dịp cận tết. Mặc dù, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo và có biện pháp ngăn chặn nhưng dường như mọi chuyện vẫn không hề suy suyển, thậm chí có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng.
Theo Công an Đắk Lắk, riêng 5 ngày từ 15 đến 19/12 trong đợt ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đơn vị đã phát hiện 12 vụ, 57 trường hợp là học sinh chế tạo pháo nổ. Qua đó, lực lượng chức năng đã thu giữ 27,3kg hóa chất dùng chế tạo pháo; 0,41kg thuốc nổ đã trộn; 294 quả pháo tự chế...
Tình trạng làm pháo tự chế không chỉ có ở học sinh với quy mô nhỏ mà thực tế nhiều người trưởng thành đã tổ chức sản xuất pháo với quy mô lớn. Có những vụ chỉ riêng lượng thuốc nổ đã có thể tính bằng kg, chưa kể các loại nguyên vật liệu khác.
Điều đó cho thấy, trên thị trường có bán một số loại thuốc nổ và nguyên vật liệu, hóa chất để làm pháo, thậm chí những loại nguyên liệu nguy hiểm này không quá khó để tìm mua.
Tức, việc quản lý các loại hóa chất, vật liệu nổ ở đâu đó vẫn còn khá lỏng lẻo nên những học sinh ở vùng núi Tây Nguyên vẫn có thể mua được. Tình trạng quản lý lỏng lẻo này đã góp phần gây nên những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, rất mong cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ các nguồn nguyên liệu được sử dụng để chế tạo pháo nổ, đặc biệt là các loại thuốc nổ. Cần xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng trái phép chất nổ, vật liệu nổ.
Đồng thời, cần đổi mới công tác tuyên truyền như: Tăng cường tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội; qua các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa giả định...
Nội dung tập trung vào phổ biến các quy định pháp luật, hậu quả, tác hại và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, với mục đích để người dân nói không với việc mua bán, đốt pháo trái phép; tích cực tham gia tố giác tội phạm liên quan đến pháo. Có vậy mới ngăn chặn hữu hiệu tình trạng làm pháo tự chế, vừa gây mất an ninh trật tự, vừa gây nguy hại cho cộng đồng.
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 155