Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiên giang và mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi

Theo kế hoạch Vì sự phát triển bền vững từ nay đến năm 2030, UBND tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”. Thực hiện điều đó, tỉnh giao cho Sở Lao động – TB&XH là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu để UBND tỉnh kịp thời ban hành chính sách, tổ chức thực hiện việc lồng ghép các chương trình để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo tại địa phương.

Năm 2018, thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 18/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh,  ngày 25/9/2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và tập huấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tham gia hội nghị có trên 200 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; Chủ tịch UBND; lãnh đạo, cán bộ phụ trách giảm nghèo phòng Lao động -TB&XH của 15 huyện, thị xã, thành phố và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo của 145 xã, phường, thị trấn.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động-TB&XH phát biểu tại hội nghị đối thoại giảm nghèo 2018

 

          Hội nghị lần này đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, cung cấp thêm kiến thức cơ bản trong việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình. Tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Tại đây các đại biểu còn được hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Giúp cho các đại biểu nắm vững nghiệp vụ, các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

          Ngày 28/9/2018 Sở Lao động–Thương binh và Xã hội Kiên Giang cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Dân tộc tỉnh; Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh và một số sở, ngành có liên quan đối thoại chính sách về giảm nghèo tại UBND xã Thổ Sơn huyện Hòn Đất, có trên 150 đại biểu tham gia. Đối thoại hộ nghèo là một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả các chính sách trong việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo.  Hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo được tổ chức nhằm trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của người dân. Qua cuộc đối thoại sẽ tiếp nhận ý kiến và phân loại từng nhóm vấn đề ý kiến của  người dân để có hướng đề xuất, hỗ trợ giúp đỡ người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống hướng đến giảm nghèo bền vững.

          Hòa cùng không khí chung của cả nước, chung tay góp sức vì người nghèo với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, Kiên Giang đã tổ chức tháng cao điểm vì người nghèo năm 2018, bắt đầu từ ngày 17/10 và kết thúc vào ngày 18/11/2018. Đây là cơ hội để phát động phong trào nhằm huy động các nguồn lực ủng hộ giúp đỡ người nghèo, đặc biệt người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững.

          Dịp này, tỉnh vận động mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, quân nhân trong các lực lượng vũ trang… đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” ít nhất là một ngày lương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tùy theo khả năng, điều kiện thực tế trích một phần quỹ phúc lợi để đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”.

Mô hình tôm – lúa tại An Biên – Kiên Giang

 

          Có thể khẳng định chương trình giảm nghèo ở Kiên Giang đang được cả xã hội quan tâm và chung sức thực hiện. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng, phong phú, thiết thực và ngày càng đi vào chiều sâu. Chính vì vậy, nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được tháo gỡ, những hạn chế, tiêu cực cũng từng bước được chấn chỉnh, khắc phục. Nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đã được triển khai nhanh chóng như hỗ trợ hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ chi phí mua giống và chi phí vật tư thiết yếu, hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề và dịch vụ….  Nhờ vậy, đời sống của các hộ nghèo trong tỉnh đã không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến đầu năm 2018 chỉ còn là 6,2%.

          Với những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp, dự án, chương trình giảm nghèo của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, cùng nhiều sở, ban, ngành liên quan, đã thực sự góp phần giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh./.