Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời và biểu thuế lũy tiến bất hợp lý đang tạo gánh nặng lớn cho người dân, khiến họ rơi vào cảnh phải thắt lưng buộc bụng.
Sống tằn tiện nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân
Chị Hoàng Minh An (Tây Hồ, Hà Nội) một mình nuôi con nhỏ hơn 2 tuổi. Để có mức thu nhập hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tháng, chị An phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối.

“Công việc rất bận, đi sớm về muộn nên tôi phải gửi con học ở trường mầm non tư thục với mức học phí 6 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền ăn cho con, tiền bỉm, sữa, quần áo, thực phẩm bổ sung…
Mỗi tháng, chi phí nuôi con nhỏ không dưới 10 triệu đồng nhưng mức giảm trừ nuôi con chỉ 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp. Mỗi tháng tôi chỉ còn 10 triệu đồng để chi tiêu, trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí. Với mức thu nhập như hiện nay, tháng nào tôi cũng thiếu trước, hụt sau nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thật quá vô lý!”, chị An nói.
Gia đình chị Ngô Minh Thúy (Long Biên, Hà Nội) có 4 người. Chồng chị có mức lương 16 triệu đồng/tháng, còn chị có thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Với chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ hiện nay, hàng tháng gia đình chị không có tích lũy, trong khi hai vợ chồng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Hai con chị An đều đang học trường THCS chất lượng cao trên địa bàn quận với mức phí 12 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các con còn học thêm tiếng Anh, câu lạc bộ, bóng rổ cuối tuần…
Tổng chi phí cho việc học của hai con là gần 18 triệu đồng. Tiền thuê nhà và các dịch vụ điện, nước… hết 7 triệu đồng/tháng.
“Tháng nào, vợ chồng tôi cũng phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí sinh hoạt nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng mỗi người đối với người phụ thuộc là quá thấp so với thực tế chi tiêu.
Con tôi học trường công lập, mức học phí này là do HĐND Thành phố phê duyệt nhưng mức giảm trừ gia cảnh thấp hơn cả chi phí học hàng tháng của các con. Đó là chưa kể chi phí ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí… Học phí cho hai con cùng chi phí sinh hoạt không ngừng tăng do áp lực của lạm phát đã tạo gánh nặng lớn”, chị Thúy than thở.
Anh Nguyễn Minh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, rất nhiều khoản chưa được tính để trừ vào thu nhập tính thuế như: Thuê nhà, mua nhà trả góp, tiền khám chữa bệnh, học phí, học thêm… Chúng tôi mong các cơ quan chức năng xây dựng chính sách giảm trừ linh hoạt hơn để người dân bớt gánh nặng chi phí hàng tháng”.
Đề xuất thu thuế cá nhân theo mức lương tối thiểu vùng
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp tiếp thu góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế. Trong đó, các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Y tế, NN&PTNT, TT&TT... và chính quyền một số tỉnh, thành phố đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng.
Tỉnh này viện dẫn theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2012, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, được áp dụng từ tháng 7/2013.
Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng. Đến nay, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,03 lần, tương đương 2,34 triệu đồng nên cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2020 đến nay, CPI tăng hơn 15%, trong khi từ tháng 7/2020, mức giảm trừ gia cảnh vẫn "giậm chân tại chỗ". Điều này khiến người lao động phải chịu mức thuế lũy tiến cao hơn dù giá cả nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, quy định mức giảm trừ gia cảnh thay đổi khi chỉ số CPI thay đổi 20% khiến việc sửa đổi rất chậm. Chưa kể, từ năm 2020 đến nay, chỉ số CPI đã có nhiều thay đổi mà vẫn áp dụng mức cũ là quá bất hợp lý.
Trong 15 năm qua, chỉ có 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mỗi lần điều chỉnh tốc độ cũng thấp hơn thực tế. Thu nhập của người dân trong 10 năm qua tăng lên do lạm phát tăng nhưng thu nhập thực tế lại giảm, nhất là những năm dịch Covid-19 bùng phát.
Nếu cho thay đổi tự động thì mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên 15 - 16 triệu đồng/người/tháng chứ không phải giậm chân ở mức 11 triệu đồng. Đó là chưa kể lương cơ sở vừa tăng 30%, lương tối thiểu vùng tăng cũng như các chỉ số khác tăng…
Ông Tú đề nghị khi sửa đổi luật thuế, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc dựa theo mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, chi phí lớn nhất của người dân là cho y tế, giáo dục và nhà ở nên cần đưa những chi phí đặc thù này vào luật.
Trong một số trường hợp đặc biệt như người phụ thuộc là khuyết tật, người cao tuổi có bệnh điều trị dài tốn nhiều chi phí, tỷ lệ này có thể bằng 70 - 100% mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế.
Thuế thu nhập phải đảm bảo quyền lợi của người lao động
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thay đổi theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc.
Cần cân nhắc việc bổ sung các khoản giảm trừ (hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người). Đặc biệt, dự thảo cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục bằng cách giảm trừ thuế nhiều hơn cho chi phí học tập và các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn;
Đồng thời, quy định cần bổ sung việc áp dụng mức giảm trừ cao đối với các trường hợp đặc biệt (người lao động là cha/mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo).
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính giải trình dự thảo luật đã đặt ra vấn đề này song đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung vào làm rõ các vấn đề vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung này sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất khi luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Hơn nữa, Bộ Tài chính khẳng định, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân phải có mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (như ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh…) và thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh phải theo mặt bằng chung của xã hội.
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp cá nhân khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Với mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.
Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể sẽ được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như các dự báo cho thời gian tới, song không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.
Về việc điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, Khoản 2 Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và thông lệ quốc tế.
Điều này đảm bảo quyền lợi của người lao động và khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 19