Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiên quyết không để giá "leo thang" theo giá điện, xăng dầu

Việc gần như ngay cùng lúc tăng giá xăng 1.600 đồng/lít và điện tăng 7,5% đã khiến dư luận lo ngại về những "đợt sóng" tăng giá trên thị trường. Phát biểu trong cuộc tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay 16/3, với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần một cuộc đại phẫu thuật để minh bạch giá xăng, điện mỗi khi tăng, giảm để người dân có thể đồng thuận.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó “Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng giá điện lần này ở mức 7,5% là phương án tăng giá thấp nhất, đã tính tới các tác động tới tăng trưởng GDP, CPI... EVN và Bộ Công Thương cũng đã công khai các chi phí cơ bản này để người dân giám sát.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến 

Đối với giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, giá xăng dầu đã vận hành theo cơ chế thị trường. Theo ông Quyền, giá xăng dầu đáng ra đã tăng từ trước Tết Nguyên đán và sau Tết là Mùng 6 Tết (tức ngày 24/2). Tuy nhiên để tránh tác động đến thị trường, cơ quan quản lý đã phải sử dụng quỹ bình ổn.

Lo ngại về tác động của tăng giá xăng dầu tới CPI, ông Võ Văn Quyền cho biết, việc điều chỉnh giá xăng tăng 1.600 đồng/lít làm tăng CPI khoảng 0,03%. 
Trên thực tế, giá xăng dầu đã giảm khá sâu từ tháng 7/2014 đến nay với 15 lần điều chỉnh, mức giảm tới 10.000 đồng/lít, tương đương giảm 40%. Vì vậy, có thể thấy tổng thể xu hướng chung là giá xăng dầu giảm và chuỗi giảm giá này cũng khiến CPI chung giảm. 4 tháng liên tục gần đây, CPI âm nhưng lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá năng lượng, thực phẩm) đều dương và trong khả năng kiểm soát của Chính phủ.

Dư luận lo ngại rằng, tăng giá điện và xăng dầu sẽ làm tăng giá, tác động trực tiếp vào giá cả hàng hóa. Thứ hai, giá xăng dầu tăng làm tăng đầu vào sản xuất công nghiệp. Việc điều chỉnh giá xăng dầu không thể chỉ nhìn vào ngắn hạn mà còn phải tính toán trong dài hạn và theo thị trường, đảm bảo không gây những cú sốc...

Trước lo ngại về việc giá xăng dầu, điện cùng tăng kéo theo giá hàng hóa khác cũng điều chỉnh tăng theo, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, giá điện tăng đã Cục có văn bản gửi các ngành địa phương, kiên quyết không cho điều chỉnh giá tăng theo giá điện, xăng dầu.