Ủy ban nhân dân, Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Nội... đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm bình ổn thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Hà Nội: Thị trường hàng hóa ổn định, không bị gián đoạn nguồn hàng thiết yếu
Theo báo cáo của Quản lý thị trường Hà Nội, trong ngày 12/9, tình hình thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.
Báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội chiều ngày 12/9, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân.
Tuy nhiên, do tâm lý sợ ngập lụt mất điện cục bộ và nhu cầu mua sắm tích trữ của người dân tăng cao nên các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại... đã kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân.
Giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được các siêu thị, chủ sạp chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng tăng cường công tác quản lý, theo dõi lĩnh vực địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng...
Quảng Ninh: Ngăn chặn, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý sau bão
Sáng 13/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh thông tin, hiện tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn vẫn cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, một số mặt hàng, giá cả có xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế, như: Rau xanh tăng 10-15%; Máy phát điện, đèn, quạt tích điện tăng 15-20%; Tấm tôn lợp, ngói lợp, sắt thép tăng 10-15%.
Thực hiện Công điện số 6815/CĐ-BCT của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đội nghiệp vụ đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, giữ ổn định thị trường trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh yêu cầu mỗi đơn vị bố trí ít nhất 1 tổ công tác thường trực 24/24 giờ để trực tiếp xử lý những vấn đề phát sinh và chủ động phối hợp các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.
Thực hiện chỉ đạo, Đội Quản lý thị trường số 5 chủ trì phối hợp Công an Tp.Hạ Long kiểm tra, xử lý hộ kinh doanh điện máy Chung Huyền ở phường Bạch Đằng, Tp.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về hành vi không niêm yết giá hàng hóa và buôn bán máy phát điện nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ với mức phạt 12 triệu đồng.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị tập trung tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại một số siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một số cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng, tấm tôn lợp, nhôm, ống hộp, sắt thép tổng hợp.
Bắc Kạn: Kiểm soát giá cả thị trường hàng hóa sau bão
UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu ngành chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Những ngày này, tại chợ Đức Xuân hoạt động kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như rau xanh, thịt, cá… diễn ra khá tấp nập.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân sau mưa lũ, Sở Công thương đã yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ, ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh chủ động đẩy mạnh khai thác, dự trữ lượng hàng hóa tăng thêm, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như: Gạo, muối, nước uống, thực phẩm công nghệ chế biến...
Đồng thời, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nắm chắc tình hình Nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, đặc biệt là tại các địa bàn bị cô lập, chia cắt để triển khai phương án, cập nhật lượng dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục xây dựng thêm các phương án để dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, đơn vị phân phối triển khai các chương trình bình ổn thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Bên cạnh đó, Sở đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là trong thời điểm mùa mưa bão.
Ninh Bình: Bình ổn cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu sau bão số 3
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Ninh Bình, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.
Kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu… đảm bảo ổn định giá cả, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 ngày 11-12/9, các đội quản lý thị trường đã thành lập các tổ công tác thực hiện giám sát chặt chẽ địa bàn tại các chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại.
Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, việc cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống siêu thị được giữ ổn định;
Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau củ được nhập từ ngoài tỉnh có tăng nhưng không đáng kể và được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng tăng giá đột biến, một số loại rau củ được sản xuất tại địa phương như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau thơm… giá không tăng;
Các mặt hàng khác như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá và các loại đồ khô (gạo, đậu, bún, miến…) giá không tăng.
Mặt hàng mì tôm và áo phao có hiện tượng khan hiếm hàng do đầu cung cấp không có hàng. Đến thời điểm hiện tại, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ổn định, không có hành vi lợi dụng tình hình mưa bão để găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi.
Lào Cai: kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý
Ngay khi bão số 3 xảy ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát bình ổn thị trường.
Để chủ động thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão và tăng cường kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão...
Do có phương án và sự chuẩn bị hàng hóa trước bão nên đến nay thị trường hàng hóa tại Lào Cai vẫn giữ được sự ổn định.
Qua báo cáo tình hình từ Sở Công Thương, hiện nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản…