Tại nhiều địa phương trong cả nước, cộng đồng người dân đã tự giác di dời, gỡ bỏ các sản phẩm, biểu tượng, linh vật... trưng bày không phù hợp trong di tích, thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai rà soát, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá ở các di tích.
Hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm biểu tượng, linh vật ở các làng nghề truyền thống đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Tại các làng nghề, người thợ đã có ý thức trong việc tìm hiểu văn hóa truyền thống, không sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước sản phẩm, biểu tượng, linh vật theo mẫu ngoại lai. Nhiều cơ sở chế tác đã tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ phù hợp với truyền thống Việt Nam. Nhiều đơn vị, cá nhân đã nhiệt tình tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu, tạo các sản phẩm, biểu tượng, linh vật mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhằm lành mạnh môi trường thẩm mỹ của cộng đồng, giữ gìn truyền thống và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra, kiên quyết loại bỏ ra khỏi di tích các hiện vật không có trong danh mục xếp hạng của di tích, thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo.
Các đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền vận động để mọi tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.