Tỉnh Kon Tum khai mạc triển lãm hơn 200 sản phẩm của sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, với trên 20 gian hàng đến từ các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong sự kiện hội thảo “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác” được tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tổ chức từ ngày 4 – 7/9/2018.
Cây và lá sâm Ngọc Linh
Đây là dịp quảng bá về tiềm năng sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý của tỉnh Kon Tum, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển cây dược liệu tại địa phương.
Vùng đất ở Kon Tum và tỉnh Quảng Nam thích hợp cho sâm Ngọc Linh, là cây đặc hữu với nhiều tính năng, công dụng vượt trội mà các loài sâm khác không có. Hiện tỉnh Kon Tum đã có 9 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei với diện tích khoảng 400ha.
Ghép hàng trăm củ sâm Ngọc Linh tạo thành hình rồng
Ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (1 trong 2 đơn vị được tỉnh giao trồng sâm Ngọc Linh) cho biết: “Lâu nay người dân chỉ nghe nói sâm Ngọc Linh chứ không thấy sâm thật như thế nào, dịp này ban tổ chức và đơn vị trưng bày cây sâm thật, có đầy đủ củ, hoa lá, cành, hạt, có loại đang trồng trên đất cho khách tham quan nhận biết sâm giả – sâm thật”.
Hình ảnh củ sâm Ngọc Linh
Theo ông Chung, tỉnh Kon Tum chỉ có 2 đơn vị có sâm giống Ngọc Linh là Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, nhưng cả 2 đều chưa bán giống ra thị trường. Vì thế, bên ngoài có bán giống sâm Ngọc Linh thì gần như 100% là giả. Công ty đang tích cực nhân giống sâm gốc khoảng 15ha. Theo kế hoạch, đến năm 2023 diện tích sâm giống của đơn vị đạt hơn 30ha, mỗi năm sẽ bán ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống.
Hình hạt sâm Ngọc Linh