Tôn trọng sự thay đổi của trẻ
Cái tôi chính là cá tính riêng của từng người. Mỗi người đều có cái tôi riêng, không ai giống ai. Cái tôi xuất hiện khi một đứa trẻ phân biệt mình và người khác, mình và thế giới xung quanh. Theo năm tháng, cùng với sự trưởng thành, cái tôi của trẻ cũng được thể hiện với mức độ khác nhau. Tùy vào sự uốn nắn, định hướng của cha mẹ mà trẻ sẽ trở thành người tự tin, có chính kiến riêng của mình hay một người tự cao, tự đại, ích kỷ… Khoảng cách giữa tự tin và tự cao rất mong manh, do đó, cha mẹ cần hiểu thật kỹ về bản chất cũng như mức độ cái tôi ở con mình để giúp trẻ định hướng tốt.
TS Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia giáo dục nhận định, lên cấp 2, trẻ bắt đầu tư duy về chính suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, phát triển cái nhìn riêng về thế giới. Trẻ kết nối những gì quan sát được từ cuộc sống, sách vở hay phim ảnh, để đối chiếu, phản biện, thẩm thấu. Ðó là lúc trẻ định hình và phát triển cái tôi. Ðây là giai đoạn đẹp nhất, với nhiều tiềm năng có thể khai phá và phát triển cho trẻ về nhiều mặt. Nhưng nếu bố mẹ chỉ có “kỷ luật thép” hoặc thờ ơ, bỏ lơ ở giai đoạn này thì dễ đưa mối quan hệ bố mẹ - con cái vào tình trạng căng thẳng và đứt gãy. Việc phụ huynh đồng hành cùng con độ tuổi cấp 2 có lẽ nên bắt đầu từ ý thức tôn trọng sự thay đổi khác biệt trong cái tôi của trẻ. Nếu không thì mọi sự đồng hành sẽ mang tính cưỡng ép, quan hệ bố mẹ - con cái bị ảnh hưởng và nhiều khi là trong cả tính cách của trẻ.
Ðồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, khi bước vào giai đoạn dậy thì và trưởng thành, giữa cha mẹ và con sẽ bắt đầu hình thành khoảng cách. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu hình thành cái tôi, có suy nghĩ và quan điểm riêng, tính cách cũng có sự thay đổi và định hình rõ rệt. Khi nhu cầu khẳng định cái tôi của trẻ gặp phải sự can thiệp quá sâu của cha mẹ, các em sẽ cảm thấy ngột ngạt. Ngược lại, nếu cha mẹ thờ ơ, lơ là, không quan tâm sẽ vô tình đẩy trẻ vào sự cô đơn, có thể gây nhiều hệ lụy đáng tiếc. Do đó, mức độ quan tâm thế nào, quan tâm bao nhiêu là cả một nghệ thuật. Cha mẹ hãy trở thành bố mẹ thông thái, quan sát con, định hướng cho con, đừng quan tâm quá sâu vào đời sống của con, bởi điều này sẽ khiến trẻ phải đề phòng cha mẹ.
Theo TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ÐH Sư phạm Hà Nội, nhiều cha mẹ nghĩ, con mình là do mình sinh ra, vì thế mình có toàn quyền quyết định mà bỏ quên tâm tư của con. Từ việc được cha mẹ tôn trọng, con biết trân trọng chính bản thân mình, biết yêu mình thật sự đúng cách, tự tin, hiểu biết và có tầm nhìn. Cũng từ bài học đó, con biết tôn trọng người khác, biết dừng lại đúng lúc trong mọi hành động.
Tôn trọng cái tôi của trẻ bằng cách nào?
Cha mẹ phải làm gương: Cha mẹ và người lớn hay có thói quen hất hàm hỏi trẻ đã chào chưa, trong khi đó lại không chào trẻ trước. Cha mẹ muốn dạy con cư xử lễ phép thì việc đầu tiên là làm mẫu cho con. Hơn nữa, cư xử với con như con đã là người lớn, nhờ vả con thật lịch sự, sẽ khiến con cảm thấy được tôn trọng.
Ðừng nghĩ con còn bé, không biết gì: “Còn bé thì biết gì” chính là câu nói thiếu tôn trọng con. Trẻ là con người, cũng biết suy nghĩ, nên nếu con nghĩ chưa chín thì cha mẹ cần phân tích cho con hiểu chứ không nên nghĩ hộ, làm hộ con.
Tôn trọng những mối quan hệ của con: Cha mẹ không nên can thiệp quá thô bạo vào các mối quan hệ của con. Ðặc biệt không nên làm những việc như: Gọi điện thoại cho bạn bè hoặc cô giáo của con khi con chưa đồng ý; Xông vào lớp học của con không báo trước; Kể chuyện của con với bạn bè, người thân khi con chưa đồng ý…
Tôn trọng các quyết định của con: Con sẽ trưởng thành, sẽ chịu trách nhiệm mọi thứ. Nếu trẻ có quyết định sai lầm thì cha mẹ nên định hướng, giúp con biết rút kinh nghiệm để làm lại hoặc tìm cách sửa sai. Nếu cha mẹ tự quyết định sẽ khiến trẻ vừa ấm ức làm theo vừa không đủ nhiệt tình để phấn đấu. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hướng cho con tự quyết định.
Hãy để cho con tự chọn bạn để chơi, khi muốn lựa chọn quần áo. Cho con tự chọn môn ngoại khóa con thích…
Cha mẹ hãy để cho con tự quyết dần từ lúc 4, 5 tuổi trở lên, nếu con quyết định sai, đừng chê bai, dè bỉu con, hãy động viên để con sửa sai và rút kinh nghiệm. Với những quyết định lớn của đời con như việc theo học trường nào, ngành nào, cha mẹ tư vấn và cung cấp cho con đủ thông tin để con biết mà lựa chọn.
Ðôi khi, hãy hỏi ý kiến con về những quyết định lớn của gia đình, nếu con có ý tưởng hay, cha mẹ có thể thực hiện theo và điều đó sẽ giúp con tự tin, tự chủ hơn rất nhiều.
Ðặc biệt, không can thiệp quá sâu vào tình yêu đầu đời của con, cha mẹ hãy chia sẻ kinh nghiệm và làm bạn với con để cung cấp kĩ năng và kiến thức giới tính cần thiết để bảo vệ con. Tuyệt đối không cấm đoán con yêu người này hay bắt ép con phải lấy người khác.