Kỷ niệm phù hợp với hoàn cảnh và tìm ra sức mạnh tiềm ẩn
Năm nay Việt Nam kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước theo cách riêng, phù hợp với tình hình cả thế giới đang dốc sức chống đại dịch Covid-19. Hiện nay, dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới với hơn 218 quốc gia, vùng lãnh thổ; số người nhiễm xấp xỉ 3 triệu người, số người tử vong hơn 200 ngàn. Con số này sẽ còn tăng lên vì nhiều nước chưa kiểm soát được dịch. Trong khi đó, Việt Nam có 268 ca nhiễm, không có người tử vong và số người hồi phục đạt gần 100%. Đây là một thắng lợi lớn của Việt Nam, các nhà lãnh đạo và báo chí nước ngoài đã dành cho Việt Nam những lời ca ngợi xứng đáng.
Chúng ta kỷ niệm ngày thiêng liêng 30/4 trong bối cảnh như vậy. Khác với mọi năm, năm nay chúng ta không chủ trương có những lễ kỷ niệm trang trọng và hoành tráng với hàng ngàn người tham gia. Thay vào đó, chúng ta kỷ niệm phù hợp với hoàn cảnh. Đó là từng người, từng gia đình tìm hiểu, nhớ lại, kể lại những kỷ niệm trong chiến tranh, nhất là vào những ngày cuối cùng của chiến tranh để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của chiến thắng. Để trưa ngày 30/4/1975, xe tăng Quân Giải phóng húc tung cổng Dinh Độc Lập, treo lá cờ nửa đỏ nửa xanh lên nóc dinh. Chúng ta đã chiến đấu suốt 20 năm, hàng triệu người đã nằm lại trên đường về giải phóng Sài Gòn. Chúng ta nhớ và ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ.
45 năm đã trôi qua, đất nước đã phát triển như kỳ vọng của Bác Hồ: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta xây dựng hơn mười ngày nay”. Đúng là đất nước đã phát triển vượt bậc, đã trở nên giàu đẹp không chỉ bằng mười so với ngày Bác Hồ viết Di chúc, mà còn hơn thế nữa. Những dãy nhà cao tầng mọc lên, những thành phố mới mọc lên, đường sá, cầu cống đã vươn dài và trải rộng khắp mọi miền đất nước. Đây là những điều ai ai cũng có thể tự mình chứng kiến và khắc ghi vào tâm tưởng.
Không chỉ Việt Nam mới có cách kỷ niệm như vậy, mà nước Nga cũng đã chuyển lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại sang một dịp khác phù hợp hơn, còn bây giờ là dồn sức chống dịch Covid-19.
Trưa ngày 30/4, các xe tăng của Quân Giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập, miền Nam chính thức được giải phóng và đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Những việc làm thiết thực có ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm 30/4
Nguyên nhân của những thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến chống dịch là Chính phủ đã có những chính sách kiên quyết, kịp thời. Đó là thực hiện cách ly 4 vòng ngay từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên; các bước tiếp theo là thực hiện giãn cách trên toàn quốc. Nhân dân ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ, đại bộ phận nguời dân thực hiện nghiêm chỉnh những chỉ dẫn của cơ quan chức năng, từ việc cách ly tập trung, tự cách ly, phong tỏa từng địa bàn, giãn cách xã hội đến việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... Ý thức tự giác của người dân là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi.
Có những hoạt động tự giác của nhiều tổ chức, cá nhân khiến chúng ta cảm động. Đó là những địa điểm để quần áo, những phần quà với phương châm “Ai thiếu thì lấy, ai dư thì góp”, “Siêu thị 0 đồng”, và đặc biệt là “ATM gạo”. Đây là hoạt động tự phát, tự giác, tự tâm của rất nhiều người dân trong cả nước. Với những hành động thế này, người dân nghèo không chỉ có cơm ăn, áo mặc mà còn có niềm tin vào cuộc sống. Dù dịch Covid-19 chưa biết kết thúc vào lúc nào nhưng Chính phủ và người dân đã tìm ra phương thức vận hành hoạt động kinh tế - xã hội an toàn từ những ngày cuối tháng 4/2020. Chúng ta tin tưởng là cuộc sống sẽ tiếp diễn với những cung bậc vốn có của nó: Trường học sẽ mở cửa; hàng quán, các khu chợ sẽ hoạt động trở lại; các cơ sở dịch vụ, sản xuất sẽ làm việc bình thường.
Đánh giá cao thắng lợi bước đầu của cuộc chiến chống Covid-19, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch.
Những hình ảnh an sinh xã hội ở TP.HCM thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, sự gắn kết sức mạnh dân tộc được phát huy trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh KT
Sâu lắng, lặng lẽ để trở nên mạnh mẽ hơn
Cho đến thời điểm này, nhiều sĩ quan cao cấp, nhiều học giả nghiên cứu về chiến tranh của Mỹ và thế giới vẫn chưa tìm ra câu trả lời thuyết phục: Tại sao Mỹ với sức mạnh vượt trội lại thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam? Đã có hàng chục triệu trang sách về cuộc chiến tranh của chúng ta; đã có nhiều lý giải về sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc Việt Nam. Vậy những ai muốn tìm hiểu sâu thì năm nay chính là cơ hội để làm điều đó: Hãy tìm đọc và suy ngẫm về chiến thắng vang dội của chúng ta vào ngày 30/4/1975.
Một điều đã khá rõ ràng là sức mạnh của dân tộc Việt Nam nằm ở tinh thần đoàn kết. Khi cả một dân tộc quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước thì không có một kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Đây là điều quan trọng mà người Việt Nam đã nhận ra từ lâu, hi vọng các học giả cũng như chính khách trên thế giới lưu ý và hiểu rõ điều này.
Dịch Covid-19 có thể làm thế giới thay đổi, một số quốc gia có thể mạnh lên, một số quốc gia khác có thể yếu đi. Việt Nam hiểu rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã bị đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực. Nhưng dẫu vậy, khi chúng ta đã biết cội nguồn sức mạnh của mình thì chúng ta sẽ biết phát huy để vượt qua khó khăn. Hơn thế nữa, tình hình biển Đông đang đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam quan tâm và thể hiện thái độ của mình. Truyền thống yêu nước cũng là một trong những cơ sở nền tảng của sức mạnh. Chúng ta sẽ phát huy sức mạnh đó trong những ngày này.
Hồ Bất Khuất/GĐTE