
Những năm ấu thơ sâu đậm, nhiều nhung nhớ, buồn bã trong lòng tác giả Hoàng Thị Thế (sinh năm 1901, là con gái ruột của Đề Thám với bà Ba Cẩn) được kể bằng một giọng kể trong trẻo:
“Ôi, luyến nhớ biết bao, dưới nếp nhà ấm cúng ấy, những lần tôi đau ốm, cha mẹ tôi vẫn lo lắng cúi người xuống, lấy tay sờ cái trán nóng hầm hập của tôi. Rồi để dỗ tôi uống thuốc, cha tôi buộc phải uống nửa chỗ thuốc, mặt vờ nhăn nhó để làm tôi cười. Còn mẹ tôi khéo léo nhẹ nhàng đổ thuốc vào miệng tôi”.
Có lẽ, với người đọc hôm nay, đặc biệt là những ai quan tâm đến lịch sử thì đây là những chi tiết quý giá mà không cuốn lịch sử nào ghi lại được. Chúng ta biết đến một Đề Thám trong cuộc sống gia đình khi làm một người cha. Trong kí ức của tác giả Hoàng Thị Thế, những ngày thơ ấu ấy mới đẹp đẽ làm sao, nhưng càng đẹp thì càng gợi lên nỗi buồn vàng son quá vãng. “Rồi nữa, dưới nếp nhà thân quen ấy, sáng nào cha tôi cũng dậy sớm hơn mọi người, rồi nằm suy nghĩ lao lung trên chiếc sập kê bên cạnh buồng chúng tôi. Nửa giờ sau, thì mẹ tôi cắt đặt người nhà rồi, đến hôn hít đánh thức tôi dậy. Nếu tôi chưa chịu dậy ngay thì mẹ tôi vừa hôn vừa cù vào cổ, ẵm tôi đặt lên đầu gối cha tôi. Tiếp đó mẹ xuống bếp, lấy trà lên rót cho cha tôi uống, lại đưa cả điếu đến”.
Lịch sử xoay vần, đổi thay chỉ trong chớp mắt. Cuốn sách sau đó hé lộ những ngày tháng sa cơ của gia đình và cuộc khởi nghĩa của người cha tác giả, rồi tiếp đó là những năm tháng sống tha hương trên chính đất nước tự nhận là “mẫu quốc” khi họ đến xâm lược Việt Nam. Người con gái của đất Yên Thế đã sống trên đất Pháp, với người Pháp bằng lòng kiêu hãnh và trí thông minh xuất chúng kế thừa từ cha mẹ và ý chí của dân tộc mình. Dù ẩn sâu trong những cuộc vui và sự xa hoa ấy là một nỗi buồn khôn khuây. “Nước Pháp. Những năm tôi đã trưởng thành... Những cuộc tiếp xúc, những bữa ăn và những cuộc đi đây đi đó ở nước Pháp và các nước Âu Tây, nhiều người đã biết tôi, bởi họ biết cha tôi và cuộc đề kháng ở Yên Thế từ lâu. Họ đến để chiêm ngưỡng giọt máu của Đề Thám - bà Ba Cẩn và rất nhiều cựu binh, quan lại Pháp ở Đông Dương về, ôn lại những kỷ niệm đẫm máu khó phai mờ”.
Không phải là lịch sử. Nhưng cuốn hồi ký như một cách nhìn về lịch sử trong một không gian, bối cảnh nhất định bởi những con người, những nhân vật trong cuốn sách đã góp mình làm nên lịch sử. Người ta nhắc đến Hoàng Thị Thế là con gái cưng của Đề Thám, là con đỡ đầu của Tổng thống Pháp Paul Doumer, là diễn viên điện ảnh, là người có vận mệnh khác thường... Đó là những điều đáng chú ý, nhưng sâu sắc hơn trong cuốn hồi ký này, người đọc thấu hiểu hơn về đất nước mình, về lịch sử dưới những góc nhìn khác nhau qua con mắt của người trực tiếp trải qua những giai đoạn biến của cố lịch sử.
Kỷ niệm thời thơ ấu đã được Ty văn hóa Hà Bắc xuất bản lần đầu vào năm 1975, nay được Công ty sách Omega Việt Nam tái bản và bổ sung từ những nguồn tư liệu quý báu và qua những nhân vật xác thực.
Kim Nhung/TC GĐ&TE