Một ngày giữa tháng Giêng Âm lịch, chúng tôi có dịp theo chân các cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã vượt cung đường dài hơn 16km, đầy sương mù bao phủ để đi lên đỉnh núi.
Chiếc xe công vụ của VQG Bạch Mã chở theo đoàn và 2 cá thể động vật quý hiếm cứ lầm lũi tiến lên đèo mang đến cảm giác khác lạ với cảnh mờ ảo.
Sau khoảng 30 phút leo đèo, chiếc xe dừng lại ở ngã ba dẫn vào thác Đỗ Quyên và Ngũ Hồ. Cả đoàn đi bộ theo con đường Đỗ Quyên đi sâu vào rừng để thả 2 cá thể động vật về thiên nhiên.
Hai cá thể được thả gồm một con gà Lôi trắng và Khỉ mặt đỏ. Con gà Lôi trắng trống do VQG Cúc Phương chuyển giao có trọng lượng 1,5kg.
Đây là một loài quý hiếm, với số lượng ngoài tự nhiên không còn nhiều, nguy cơ trùng huyết cũng như sự đa dạng về nguồn gen không cao. Còn cá thể Khỉ mặt đỏ là cá thể cái, có trọng lượng 4,5kg do người dân tự nguyện giao nộp.
Hoàn thành việc thả 2 cá thể động vật, đoàn tiếp tục đi sâu vào phía trong lõi rừng để khám thiên nhiên trên đỉnh Bạch Mã. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đang tản bộ ngắm cảnh hùng vĩ của núi rừng.
Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết tại Bạch Mã rất đẹp, nhiều loài như Đỗ quyên, lan Vanilla Schenzenica, Viễn chi,…đua nhau khoe sắc tạo nên cảnh sắc kỳ thú, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan. Số liệu thống kê, ngày 1/1-19/2, VQG Bạch Mã đã đón tổng cộng 1.425 khách tham quan, trong đó có 681 khách nước ngoài.
Tại đoạn giữa của đường Đỗ Quyên, một loài lan thân leo, cuốn chặt trên thân cây gỗ lớn, nhiều lá có phiến dày hình elip, hoa nở vàng rực. Thạc sĩ Phạm Thị Thành Đạt, người phát hiện ra cho biết, cây lan được công bố rộng rãi vào năm 2023.
Hiện nay, loài này chỉ mới ghi nhận ở Hồng Kông, Quảng Đông (Trung Quốc) và VQG Bạch Mã. Hoa Vanilla Schenzenica thường nở vào mùa Xuân, độ tháng 2-3 hàng năm, hoa có mùi thơm dịu nhẹ, màu vàng nhạt, có 5 cánh ở ngoài và 1 cánh chính dạng bầu, ở giữa.
Nhị và chỉ nhị của hoa ngăn cách nhau bằng 1 vách ngăn, nên quá trình thụ phấn phải nhờ côn trùng, như kiến, ong, bướm hoặc con người. Năm 2023, sau quá trình thụ phấn, cây lan ở Bạch Mã đã đậu được 15 quả, trong đó quả dài nhất có kích thước 19cm.
Lẽ dĩ nhiên, trên con đường Đỗ Quyên, loài hoa đặc trưng nhất của Bạch Mã không thể thiếu đó chính là đỗ quyên, loài chỉ nở một lần vào mùa Xuân. Đỗ quyên ở đây cũng rất đa dạng, hiếm thấy, như: đỗ quyên đỏ, đỗ quyên chuông trắng điểm hồng, đỗ quyên chuông trắng, đỗ quyên sim…
Theo thống kê, hiện nay, ở VQG Bạch Mã có 2.421 loài thực vật (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước), bao gồm 74 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007, 20 loài có tên trong Danh lục Xanh IUCN và 204 loài đặc hữu.
Đặc biệt, có 10 loài mới được phát hiện và đặt tên theo địa danh Bạch Mã bao gồm: chìa vôi, côm, lá nón, mây, bọt ếch, thu hải đường, mạo quả, bồ bốt, tử châu, lan.
Bên cạnh thực vật, hệ động vật tại VQG Bạch Mã cũng rất phong phú về chủng loại. Theo kết quả điều tra nghiên cứu ghi nhận ở VQG Bạch Mã có 1.728 loài thuộc 54 bộ, 266 họ, trong đó có 70 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN và 15 loài đặc hữu.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện 14 loài mới cho khoa học ở VQG Bạch Mã và đặt tên theo địa danh nơi đây.
Được phát hiện và đệ trình xây dựng khu nghỉ mát bởi một kỹ sư người Pháp từ năm 1932, với một quần thể biệt thự, chợ, bưu điện, nhà hàng tạp hóa, đường giao thông, Vọng Hải Đài, Công viên rừng, công viên Đá hát, trại Hướng Đạo Đông Dương, các suối thác đẹp như suối Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên ….
Ngày nay, dấu tích của khu nghỉ mát vẫn còn hiện hữu ở đỉnh Bạch Mã với các công trình còn sót lại, chưa bị phá huỷ bởi thời gian, khí hậu, những mảnh tường đổ nát được xây bằng đá Granit dọc theo các tuyến đường mòn….
Thảo Vi