Những ồn ào, tranh luận quanh sự việc này một lần nữa đặt ra vấn đề về tính minh bạch của việc kêu gọi từ thiện qua mạng xã hội.
Phạm Thoại không mấy xa lạ trong giới Tiktoker khi đang có 6,1 triệu người theo dõi và được biết đến như một "chiến thần livestream" tại các phiên livestream bán hàng mang về doanh thu công bố là hàng trăm tỷ.

Cuối năm 2024, Phạm Thoại nhiều lần xuất hiện trong phiên livestream bán hàng chị Hòa và đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ bé Bắp chi phí chữa bệnh. Theo đó, Phạm Thoại đăng bài viết kêu gọi quyên góp vì bé Bắp nguy kịch, cần gấp 6 - 7 tỷ đồng chữa trị tại Trung Quốc.
Tranh cãi nổ ra khi cư dân mạng vào trang cá nhân của mẹ Bắp và Phạm Thoại để hỏi về sức khỏe của bé Bắp sau cuộc phẫu thuật, nhiều ý kiến đề nghị công khai số tiền nhận được và chi phí điều trị cho bé. Trước những bình luận đó, mẹ bé Bắp cho rằng số tiền trên là tự nguyện quyên góp, không ai bị ép buộc, do đó không cần thiết phải sao kê hay giải trình.
"Những đồng tiền cô chú cho bé Bắp, đó là xuất phát từ tấm lòng. Đó gọi là tự tâm cô chú yêu thương Bắp gửi đến. Chứ mẹ Bắp không hề nhờ vả vào ai để bắt chuyển. Và đồng tiền đó, một người làm mẹ như em không hề có nhu cầu riêng cho bản thân thì đồng nghĩa là em chỉ cần để lo cho con.
Những người họ cho không rảnh để lên tiếng nói điều đó. Chỉ những người không cho, những người sân si, những người muốn bệnh như Bắp để được hỗ trợ mà không được thì những người đó mới bảo sao kê”.
Thái độ của mẹ bé Bắp đã khiến cộng đồng mạng bất bình và đẩy cuộc tranh cãi về việc có cần sao kê tiền từ thiện hay không. Nhiều người cũng tràn vào trang cá nhân yêu cầu Tiktoker Phạm Thoại minh bạch việc đã nhận bao nhiêu tiền ủng hộ, chi tiền cho việc chữa trị của bé Bắp ra sao.
Trước những ồn ào, tối 25/2, Tiktoker Phạm Thoại đã livestream trên mạng xã hội, đồng thời mời chị Lê Thị Thu Hòa cùng tham gia và trả lời những thắc thắc của cộng đồng mạng. Theo đó, đến ngày 24/2, tài khoản gây quỹ do Phạm Thoại đứng tên nhận tiền từ thiện ghi nhận số tiền tổng thu hỗ trợ bé Bắp là hơn 16,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền trong tài khoản hiện chỉ còn hơn 54,7 triệu đồng. Số còn lại đã được rút khỏi tài khoản. Tại đây, Phạm Thoại công khai các hóa đơn của bệnh viện ở Singapore - nơi bé Bắp đang điều trị, quá trình nhận, rút tiền với mốc thời gian cụ thể cũng được đăng tải. Tiktoker này khẳng định sau khi kết thúc livestream sẽ lập vi bằng sao kê để mọi người xem lại.
Tại phiên livestream, chị Lê Thị Thu Hòa cũng được kết nối từ một bệnh viện tại Singapore và lên tiếng giải thích về những thông tin gây tranh cãi liên quan đến việc chi tiêu số tiền từ thiện.
Chị Hòa xác nhận có đi vé máy bay hạng thương gia nhưng vé do một phòng vé máy bay tài trợ, có làm răng sứ nhưng thời điểm trước khi bé Bắp bị bệnh, điện thoại Iphone 15 cũng được nhà tài trợ tặng, anh trai bé Bắp đi học trường quốc tế do 2 chị gái nuôi, rồi các thông tin về việc mua đất, trả nợ bằng tiền từ thiện…
“Tôi khẳng định không có chuyện lợi dụng bệnh tình của con để kêu gọi tiền bạc như tin đồn lan truyền. Cô chú đã giúp Bắp rất nhiều để đủ chi phí điều trị ban đầu. Tuy nhiên, khi Bắp bị dịch não phải mổ 3 lần, chi phí đôn lên rất nhiều.
Ngoài sự hỗ trợ từ mọi người, tôi cũng cố gắng bán hàng để trang trải. Toàn bộ số tiền nhận được, tôi đều dùng cho việc chữa trị và thanh toán viện phí của bé", chị Hòa giải thích.
Liên quan đến việc ngoài số tiền do Phạm Thoại chuyển là hơn 16,7 tỷ đồng, chị Hòa còn nhận tiền từ thiện qua 2 tài khoản cá nhân khác và cho biết sau khi về Việt Nam sẽ sao kê các khoản tiền đã nhận.
Những ồn ào quanh sự việc của Phạm Thoại và mẹ Bắp một lần nữa lại dấy lên tranh luận về tính minh bạch của những trường hợp kêu gọi từ thiện qua mạng xã hội. Một người dùng Facebook đặt câu hỏi: "Nếu dư luận không chú ý tới những hành động bất thường và yêu cầu sao kê, liệu Phạm Thoại có livestream giải thích không?".
Một tài khoản khác viết: “Theo tôi nên dẹp mấy kênh Tiktok, Youtube, Facebook... kêu gọi từ thiện rồi chuyển vào tài khoản cá nhân này đi. Mọi người muốn giúp ai thì cứ đưa trực tiếp hoặc ủng hộ qua tài khoản của các cơ quan như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ và các tờ báo uy tín, ghi rõ địa chỉ cần giúp đỡ là họ sẽ chuyển tới nơi cần chuyển.
Liên quan đến vụ việc, TS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, lĩnh vực từ thiện có quy định trong Nghị định 93 năm 2021 của Chính phủ là cá nhân cũng được phép tham gia kêu gọi tiếp nhận phân phối tiền từ thiện.
Điều kiện để cá nhân tham gia kêu gọi quyên góp tiếp nhận tiền từ thiện là phải từ 18 tuổi trở lên, khi kêu gọi phải công khai nội dung thông tin ở trên phương tiện thông tin đại chúng và phải báo với chính quyền địa phương.
Và nếu tặng cho để chữa bệnh, số tiền đó phải được sử dụng mục đích chữa bệnh, nếu sai mục đích thì chủ sở hữu tặng cho có quyền đòi lại số tiền đó. Việc lợi dụng kêu gọi quyên góp để biển thủ, chiếm đoạt là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, những người đã đóng góp tiền những nhà hảo tâm đó có quyền liên hệ trực tiếp và yêu cầu người tiếp nhận số tiền đó phải giải trình, giải thích về dòng tiền, giải ngân số tiền đó. Trong trường hợp không thỏa đáng, những nhà hảo tâm có quyền làm đơn trình báo tố giác gửi đến cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết.
Cơ quan điều tra vào cuộc sẽ thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ để xác định có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không, có hành vi lừa đảo không, có tuân thủ quy định của nghị định 93, công khai minh bạch không.
“Nếu người kêu gọi từ thiện có hành vi gian dối để ăn chặn, chiếm đoạt (không phân biệt hành vi gian dối này xuất hiện ngay từ đầu hay phát sinh sau khi đã nhận tiền từ thiện) thì tùy thuộc vào từng trường hợp, người thực hiện hành vi này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 hoặc “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành”, ông Cường cho biết.
Hà Châu
Báo Lao động và Xã hội số 26