Bà cùng hầu hết nam nữ văn công tuổi mười tám, đôi mươi thuở ấy theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái lên đường ra mặt trận, mang lời ca, tiếng hát cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội, góp phần vào chiến thắng lịch sử vẻ vang.
Văn công cũng là chiến sĩ
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Phan Kế Bính (Hà Nội), bà Vũ Thị Lương, chiến sĩ văn công Đại đoàn 351 (pháo binh - PV) dù đã bước sang tuổi 89 nhưng vẫn minh mẫn và tươi vui, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát.

Bà mặc bộ quân phục giản dị đã ngả màu, trên ngực đeo Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Còn các huy hiệu cao quý khác được Nhà nước trao tặng, bà trang trọng để trong khung kính và treo sát bàn thờ tổ tiên.
Ánh mắt lấp lánh xem lẫn niềm vui, bà khoe bức ảnh chụp cùng đoàn văn công Đại đoàn 351 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn những nam thanh nữ tú, tuổi đời vừa tròn mười tám, đôi mươi căng tràn sức sống...
Trong niềm xúc động xen lẫn tự hào, bà Lương cho biết, tháng 1/1953, bà nhập ngũ khi 17 tuổi. Cuối năm đó, cô gái trẻ đi phục vụ ở mặt trận Điện Biên Phủ cho đến hết chiến dịch.
Là con gái Hà Nội tản cư, chân yếu tay mềm, đường hành quân gập ghềnh, lại phải mang theo ba lô cá nhân cùng 3 - 4kg gạo và một cái xẻng để đào hầm, có lúc chân đau quá, bà không theo kịp các anh bộ đội.
Vất vả là thế nhưng bà Lương cũng như các thành viên của đoàn văn công luôn hào hứng đem tiếng đàn, điệu múa, lời ca phục vụ bộ đội, dân công, làm dịu những đau đớn cho thương binh.
Theo nữ chiến sĩ văn công Điện Biên, ngày ấy các nghệ sĩ và bộ đội gắn bó với nhau như anh em một nhà. Văn công cũng là chiến sĩ, cùng ăn, cùng ngủ trong hầm, cùng chiến đấu, đêm đến thì kể chuyện cho bộ đội nghe.

Những lúc chiến trường tạm ngưng tiếng súng thì họ biểu diễn, múa hát cho bộ đội xem, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu. Ngoài ra, họ tích cực tham gia vác lương, tải đạn, sửa đường, đào chiến hào, dựng lán cho thương binh…
Những bài hát, vở kịch, điệu múa thường được biểu diễn khi ấy là: Hò kéo pháo, qua miền Tây Bắc, múa xòe hoa Thái, múa lượn, hát chèo... Do chiến trường ác liệt, sân khấu biểu diễn không có phông màn, chỉ cần một vạt đất nhỏ bằng phẳng hay trong hầm pháo, lán chỉ huy.
Nhạc cụ không có, toàn hát chay, trang phục biểu diễn, hóa trang cũng rất đơn giản, đa số là tận dụng những gì sẵn có. Mặc dù vậy, mỗi tiết mục đều rất thiết tha, sâu lắng, thúc giục, cổ vũ, tràn đầy nhiệt huyết, rạo rực lòng người, đem lại sức mạnh vô hình khích lệ tinh thần chiến sĩ.
Bà Lương vừa kể, vừa múa và hát cho chúng tôi nghe một trong những làn điệu chèo mà thời ấy các chiến sĩ rất thích: “Ai xui là xui cây lúa… chín… í a… lúa nặng trĩu bông í ì i. Ôi í a trĩu bông ới là là bông, a trĩu trĩu bông, nặng gánh, em mong anh i..ì về…”.
Nhân chứng sống của bức tranh “Xuân trong hầm pháo”
Bà Lương nhớ lại một tối, trong căn hầm chật chội và vương mùi thuốc súng, bà cùng 3 nữ diễn viên vẫn múa hát say sưa bài “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi…”.
Nghe đúng bài hát “tủ” của lính pháo binh, anh em phấn khởi đồng thanh hát bè. Một vài chiến sĩ còn đứng dậy biểu diễn động tác kéo pháo rất điệu nghệ. Trong giây phút ấy, dường như với họ chiến tranh không còn hiện hữu, chỉ một không gian ấm áp trữ tình.
Không chỉ hát những bài ca cách mạng hay những giai điệu quê hương ngọt ngào, tha thiết, chị em văn công còn sáng tác những câu thơ mộc mạc, dí dỏm, gần gũi tặng người chiến sĩ: “Em là cô gái Chi Luông/ Tặng người chiến sĩ tiền phương em chờ/ Anh ơi xin chớ hững hờ/ Bao giờ hết giặc mình về bên nhau” làm cả đơn vị phấn khởi, hỏi thăm tên, tuổi, quê quán, hẹn hò gặp lại trong ngày chiến thắng. “Dường như anh em hy vọng lắm! Bao mệt nhọc, vất vả quên đi hết.
Ai cũng phấn chấn, tích cực hẳn lên, nhiệm vụ đào hầm hào, vận chuyển súng, đạn chẳng phải đôn đốc mà vẫn hoàn thành rất tốt. Thế mới biết, văn nghệ chiến trường vô cùng quan trọng, biết tuyên truyền, cổ vũ đúng lúc thì hiệu quả của nó chẳng thua kém gì ngàn vạn tinh binh”, bà Lương nói.

Nói về những đồng đội, chiến sĩ mà mình ấn tượng nhất, bà Lương nhớ ngay tới họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nguyên phóng viên Báo Quyết Thắng của Đại đoàn 351. Họa sĩ có nhiệm vụ đi cùng đoàn văn công ra mặt trận phục vụ bộ đội và đã ghi lại nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ của các đội văn công phục vụ bộ đội trên chiến trường, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh “Xuân trong hầm pháo”.
Bức tranh được vẽ khá tình cờ trong hầm pháo của Đại đội 806, đơn vị bắn những loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong hầm pháo chật hẹp, 4 cô gái văn công mặc áo tứ thân biểu diễn những làn múa uyển chuyển, thướt tha phục vụ các chiến sĩ, bên cạnh là khẩu pháo 105mm vươn nòng qua lỗ châu mai hướng về phía dưới lòng chảo. Trên khuôn mặt các chiến sĩ hiện lên vẻ rạng rỡ, vui mừng như cùng đắm chìm với tiếng đàn, điệu múa.
Không màu mè, không cầu kỳ, những hình ảnh ấy đã được ghi lại một cách chân thực, rõ nét đến lạ thường bởi nét bút tài hoa của họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Bà Vũ Thị Lương chính là một trong 4 cô gái văn công có mặt trong bức tranh lịch sử ấy.
“Sau buổi biểu diễn hôm ấy, chúng tôi được lệnh đi phục vụ văn nghệ ở đơn vị khác. Mấy ngày sau, chúng tôi trở lại Đại đội 806 để phục vụ cho đợt hai của chiến dịch thì nhận được tin toàn bộ 7 chiến sĩ trong khẩu đội đã hy sinh do trúng phải đạn bắn trả của địch.
Chúng tôi đã khóc rất nhiều, các pháo thủ vốn còn rất trẻ, trong đó có chiến sĩ Thành mới 17 tuổi. Cậu ấy rất gắn bó và thân thiết với chị em của đoàn văn công”, bà Lương rơi lệ khi nhớ lại sự mất mát, hy sinh của đồng đội năm xưa.
Thêm một ký ức không thể quên đối với nữ văn công năm xưa đó là khoảnh khắc khi nghe tin Điện Biên Phủ toàn thắng, cảm giác vui mừng, tự hào không thể tả hết bằng lời. Khi ấy, anh chị em văn công đang làm đường cùng dân công đều vứt hết quang gánh, cuốc xẻng mà cầm tay nhau múa hát.
“Một điều đặc biệt là chiều 8/5/1954, trong lúc dọn đường cho bộ đội hành quân trở về chiến khu Việt Bắc, chợt một chiếc xe quân sự chở tướng Đờ Cát bại trận đi qua, tất cả văn nghệ sĩ chạy ùa lên vệ đường để xem mặt viên tướng Pháp. Đó chính là phần thưởng lớn nhất sau chiến thắng của chúng tôi”, bà Vũ Thị Lương tự hào.
Với bà Lương, thời gian được phục vụ trên chiến trường Điện Biên chính là những năm tháng thanh xuân rực rỡ, là kỷ niệm tươi đẹp và ký ức hào hùng không thể nào quên.
Thùy Hương
Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5