Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lá khát - loại ma túy cực độc đang xâm nhập vào Việt Nam

 
Lá khát là gì?
 
Lá khát hay còn gọi là lá Thiên Đường (hay kat, qat, ghat hoặc chat - có tên khoa học là “Catha edulis”) là một cây lâu năm được trồng nhiều ở châu Phi. Người dân ở đó sử dụng lá khát như nhai trầu hay phơi khô, chế biến thành nước để uống như uống cà phê. 
 
Những năm gần đây, sau một số nghiên cứu, cơ quan quản lý tại Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đưa lá khát vào danh mục ma túy đặc biệt nguy hiểm vì tính gây nghiện và là thứ hàng mang lại siêu lợi nhuận. Thời gian gần đây, lá cây khát bị lạm dụng như một chất ma túy trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng vận chuyển lá cây này. 
 
Mức độ nguy hiểm của lá khát lớn gấp nhiều lần ma túy “đá” và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Ảnh Internet.
 
Vì sao lá khát lại nguy hiểm?
 
Theo PGS.TS Phạm Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện pháp y tâm thần Trung ương, trong lá cây khát chứa chất cathinone, có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường. Từ lá khát có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone. Từ chất này có thể tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka. Đây là loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt.
 
Cathinone gây ra những phản ứng tiêu cực như phấn khích, tỉnh táo, nói nhiều, chán ăn, nếu lạm dụng có thể dẫn đến mất ngủ, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, trầm cảm...; thậm chí có thể dẫn đến phân hủy các tế bào cơ xương và suy thận. 
 
Nhiễm độc cathinone tổng hợp khi quá liều gây nguy hiểm không khác gì heroin hoặc các loại ma túy đá. Ngoài ra, nó có liên quan với nguy cơ gia tăng các biến chứng về y học, như tăng bệnh nha khoa và ung thư miệng, bệnh tim mạch, gan, và giảm sự thèm ăn, tăng chứng trầm cảm, thay đổi tâm trạng. Nhiễm độc do dùng cathinone tổng hợp quá liều có thể dẫn đến cái chết.
 
Thông thường, người sử dụng chỉ cần nhai lá tươi, hút lá khô, pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn cũng dẫn tới bị gây nghiện nặng. Người sử dụng rất khó dứt bỏ và thậm chí bị hoại tử dần xương tủy, gây ra nhiều căn bệnh khó chữa và tàn khốc khác. Hơn nữa, “phê” lá khát không chỉ làm cho người sử dụng có những hành động như leo lên đỉnh nóc tòa nhà cao hàng trăm mét rồi nhảy xuống, mà còn gây “ảo giác”, nhìn người đối diện chỉ muốn ra tay sát hại... 
 

Ở Âu Mỹ, người ta xếp lá khát vào danh mục ma túy “dạng rau” cực kỳ nguy hiểm. Ảnh Internet.
 
Nhiều nước trên thế giới cảnh báo về khả năng gây nghiện
 
Có tới 40% người sử dụng lá khát phát triển chứng nghiện và lệ thuộc. Phụ nữ mắc chứng nghiện lá khát cao hơn nam giới. Khi đã nghiện thì việc cai sẽ khó khăn hơn so với người dùng ma túy truyền thống. 
 
Nhiều nước trên thế giới đã liệt lá khát vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm. Năm 1993, Mỹ xếp cathinone thuộc nhóm thuốc gây nghiện I, có thể phân hủy trong vòng 48 tiếng sau khi dùng. Tại Anh, lá khát được xếp vào nhóm thuốc gây nghiện cấp C (Class C drug) và bị cấm kể từ ngày 24/6/2014. 
 
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cho thấy, mức độ nguy hiểm của lá khát lớn gấp nhiều lần ma túy “đá” và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Do đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung việc xử lý vi phạm (hình sự) đối với việc buôn bán, vận chuyển các chất ma túy mới như lá cây khát (có chứa chất ma túy cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy (các Điều 248, 249, 250, 251, 252). Nếu phạm tội mua bán trái phép lá khát từ 75 kilogam trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo Khoản 4 Điều 251, Bộ luật Hình sự. 

 Ma túy được chia làm 2 nhóm dựa trên tác động của chúng đến hệ thần kinh. Một là nhóm gây ức chế trầm dịu như nhựa thuốc phiện, morphin và các dẫn xuất như heroin, một số thuốc giảm đau được dùng hạn chế trong y học như pethidine, fentanyl... Nhóm thứ hai là các loại gây kích thích thần kinh như cocain, amphetamin cùng các dẫn xuất như methamphetamin (hàng đá) và MDMA (thuốc lắc); các thuốc gây ảo giác như LSD, cần sa và cần sa mới (cỏ Mỹ), cathinone và một dạng bào chế khác cũng có nguồn gốc từ cathinone là mephedrone...
 

Châu Anh (t/h)/GĐTE