Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đề ra 6 mục tiêu cụ thể nhằm bảo đảm các điều kiện để thực hiện yêu cầu về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tường Chính phủ; đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đáp ứng nhu cầu cần sự hỗ trợ, can thiệp của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giảm dần tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em.
Trong đó, từ 80% trở lên gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện người học bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục; 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên công tác xã hội được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em; củng cố và phát triển hoạt động bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh…
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra 8 nhóm giải pháp.
1. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng: trẻ em tử vong do tai nạn thương tích; vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em; trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
2. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa vi phạm, xâm hại trẻ em cho các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em.
3. Tập trung quản lý tốt hoạt động của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em sinh hoạt, học tập, ngăn chặn tác động của các luồng văn hóa xấu, độc hại vào trẻ em; đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần hiệu quả phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em.
4. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), duy trì việc thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
5. Chỉ đạo làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là tin báo, tố giác liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; bảo đảm 100% các tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, khách quan, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự.
6. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị, địa phương và các ban, ngành có chức năng trong tiếp nhận, thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; trong thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo đúng quy định.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.
8. Quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
UBND tỉnh giao các sở, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng lồng ghép và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; UBND các huyện, thành phố tham mưu Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết để thực hiện; trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh theo quy định.