Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lại chuyện loạn ngôn trên truyền hình

Chương trình “Song đấu” trên VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, hồi 20 giờ 55 ngày 4/6/2016 có trò chơi “Thi tài đá cao” giành cho các cô gái. Đối thủ của hai vũ công Ngọc Tiên, Ngọc Hà là đôi vận động viên điền kinh Ngọc Trâm, Phương Châm. Mỗi đội có một “quân sư” (tự phong) là Việt Hương, Trấn Thành.

 

Việt Hương - Trấn Thành sặc sỡ khác thường cùng ra mắt Song đấu. Nguồn ảnh: Internet.

Ấn tượng của khán giả màn ảnh nhỏ sau khi xem chương trình trên lại không phải là kết quả chung cuộc, mà chính là câu nói “để đời” của “quân sư” Trấn Thành: “…Hai cô gái mà tôi đang sở hữu”.

Nghe mà thấy sởn cả gai ốc! Một người cùng lúc sở hữu hai cô gái thì chỉ có thể là chủ nô ở thời kỳ xã hội Chiếm hữu nô lệ, hoặc trùm maphia thời nay (như dạng phim “Bạch tuộc”).    Không thể tin được, một người từng dẫn chương trình, ngồi ghế giám khảo, làm diễn viên, đóng vai “quân sư”- lại không hiểu nghĩa của hai chữ “sở hữu”. Để mọi người thấy được mức độ nghiêm trọng của cái lối ăn nói ngẫu hứng, mất kiểm soát này của Trấn Thành tôi xin dẫn “Từ điển tiếng Việt thông dụng” của Nguyễn Như Ý (chủ biên) Phan Xuân Thành, Nguyễn Văn Khang, do NXB Giáo dục ấn hành năm 1996, trang 972: “sở hữu” có nghĩa là được giữ làm của riêng (ví như sở hữu ruộng đất).

Cứ theo định nghĩa này mà suy, thì phát ngôn của Trấn Thành không chỉ xúc phạm danh dự người khác (hai cô gái) mà còn thiếu đạo đức và cao hơn nữa là vi phạm pháp luật. Chuyện “ăn nói” trước công chúng của Trấn Thành đâu chỉ có vậy.

Trước đó, nhân kỉ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) nhiều tờ báo cũng đã phê phán kiểu “lộng ngôn” có hại đối với các cháu nhỏ khi anh này làm giám khảo cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” (trên VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam hồi 14 giờ 45 ngày 5/5/2016). Chưa hết, xung quanh việc xuyên tạc nội dung và bôi bẩn các nhân vật nguyên gốc vở cải lương kinh điển “Tô Ánh Nguyệt”, biến nó thành một tác phẩm “quái thai”, khiến những khán giả mộ điệu cải lương và những người làm nghề chân chính có phản ứng gay gắt. Thanh tra Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt hành chính Huỳnh Trấn Thành (nghệ danh: Trấn Thành) với số tiền 32,5 triệu đồng, gồm các hành vi vi phạm:

- Ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật mà không có giấy phép.

- Làm tác phẩm phát sinh mà không xin phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

(Cả hai NSND Ngọc Giàu và Anh Đức tham gia cùng chịu chung án phạt “Ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật mà không có giấy phép). Ngoài quyết định xử phạt còn buộc phải gỡ bỏ clip hài kịch remix “Tô Ánh Nguyệt” trên tất cả các trang mạng thông tin điện tử. (“Án phạt cho lòng tự trọng còn lớn hơn tiền” Báo Văn Hóa số 2785 ra ngày 18/5/2016, tr. 10)

Những dẫn chứng trên đây cho thấy, Trấn Thành chưa hội đủ phẩm chất của một người làm công tác văn hóa thông tin, đặc biệt là thông tin đại chúng. Vậy không hiểu sao Đài Truyền hình Việt Nam vẫn để Trấn Thành xuất hiện liên tục trên ti vi.Phải chăng “Nhà đài” (VTV3) bung ra quá nhiều trò chơi, dẫn đến mất kiểm soát, để lọt sóng. Hay bí người, phải chấp nhận “tật” được sống chung với “tài”. Dù gì thì trách nhiệm vẫn thuộc lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam.

Vì báo chí cũng đã có không ít lần phê phán, kiến nghị, nhưng tình trạng “người nhà đài” vẫn càng ngày càng có nhiều câu nói thiếu thận trọng, gây phương hại đến uy tín của một đài truyền hình quốc gia. Nên khán giả màn ảnh nhỏ không khỏi thắc mắc với thái độ tiếp thu phê bình của lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam. Liệu có quá coi thường công luận.