Tiêm filler là phương pháp làm đẹp không xâm lấn hiệu quả, nhưng cũng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu filler không rõ nguồn gốc và việc làm đẹp bằng phương pháp này được thực hiện ở những cơ sở thẩm mỹ không an toàn.
TS.BS Phạm Cao Kiêm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Nhiều ca biến chứng sau tiêm filler
Thông tin từ bệnh viện Da liễu Trung ương, ngày 6/6, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân (32 tuổi, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng tổn thương sưng nề vùng mắt, môi căng bóng, sờ có khối chắc, xuất hiện vết rò ở môi trên và môi dưới. Qua thăm khám, ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán bệnh nhân gặp phải phản ứng u hạt sau tiêm filler. Khai thác bệnh sử được biết, trước đó khoảng 10 ngày, bệnh nhân có đến một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) vào môi, mắt, thái dương. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày tiêm, bệnh nhân đã gặp phải biến chứng. Tại bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được tiêm thuốc giải (hyaluronidase), chống phù nề và giảm viêm...
Trước đó 3 ngày, bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ (23 tuổi) gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy (filler) ở mũi tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Thời điểm nhập viện, toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, đau, tiết dịch, có dấu hiệu hoại tử nhiều vùng mũi.
TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời gian qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ không uy tín. Filler thường được gọi là chất làm đầy, một hợp chất được cấu tạo từ axit hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người. Mục đích của tiêm filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler khác nhau, được quảng cáo nhập từ Mỹ, Thụy Sĩ, Ukraine… với những công dụng như nâng mũi, tạo cằm V-line, làm đầy mặt, giảm nếp nhăn; thời gian thẩm mỹ chỉ trong 10 - 15 phút…
Cân nhắc kỹ khi lựa chọn
Theo TS.BS Kiêm, nhiều người nghĩ tiêm filler đơn giản chỉ là một mũi tiêm, nhưng nếu người thực hiện thủ thuật làm sai cách, tiêm sai liều, chất lượng filler không đạt chuẩn, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là tắc mạch, chèn ép mạch hoặc cả hai gây hoại tử ở vùng mạch đó nuôi dưỡng; Tắc mạch nuôi cằm, mũi, má gây hoại tử cằm mũi má; Tắc mạch mắt gây mù mắt; Tắc mạch não gây đột quỵ. Bệnh nhân nếu được điều trị sớm có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu để muộn dễ dẫn đến hoại tử tổ chức không hồi phục. Cách đây không lâu, từng có một nữ bệnh nhân (23 tuổi, trú tại Đắk Lắk) mất thị lực hoàn toàn, não bộ ảnh hưởng nghiêm trọng khi tiêm filler để tạo dáng mũi thẳng nhưng bị tiêm nhầm vào mạch máu.
Theo quy định, người thực hiện tiêm filler bắt buộc phải là bác sĩ hoặc có giấy tờ chứng nhận mới có thể hành nghề. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ở nhiều cơ sở thẩm mỹ, nhân viên Spa không có trình độ y khoa, không được đào tạo chính thống, vẫn thực hiện tiêm cho khách hàng. Thậm chí, nhiều dịch vụ còn giới thiệu tiêm filler tại nhà nếu khách hàng có nhu cầu. Để đảm bảo an toàn, TS.BS Kiêm khuyến cáo, khi có ý định làm đẹp bằng filler, bệnh nhân nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa Thẩm mỹ đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên khoa Da liễu, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ và da liễu, phải hiểu rõ về các chất làm đầy, kỹ thuật và chỉ định tiêm, đồng thời biết quy trình xử lý nếu gặp phải biến chứng không mong muốn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý một số trường hợp chống chỉ định với việc tiêm chất làm đầy gồm: Phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn; sự hình thành sẹo lồi hay sẹo phì đại; rối loạn đông máu – chảy máu; có sử dụng isotretinoine trong vòng 6 tháng; teo da (do yêu cầu sử dụng steroid mạn tính, các hội chứng di truyền); rối loạn hồi phục vết thương; viêm da tại vùng tiêm; mẫn cảm với thành phần chất làm đầy; bệnh nhân có kỳ vọng không thực tế về phương pháp.
Theo Thảo Hương /baophunuthudo.vn