Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm rõ trách nhiệm của kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, ngày 5/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Nghị trường thực sự “nóng” lên với câu hỏi của các đại biểu đặt ra cho Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn về trách nhiệm của ngành kiểm toán trước nạn tham nhũng và những “đại án” gây nhức nhối xã hội thời gian qua.

Kiên quyết loại bỏ những “con sâu” trong ngành kiểm toán

Chất vấn Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi: “Vừa qua có một số dự án đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong đấu thầu. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải về thực trạng này và có giải pháp gì?”.

Mai Văn Hai.jpg
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa).

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đơn vị được kiểm toán Nhà nước là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu như vụ án Phúc Sơn và Thuận An. Song, theo Tổng Kiểm toán, cả Phúc Sơn và Thuận An đều không có vốn Nhà nước nên “không được kiểm toán nhà nước”. Tuy nhiên, do liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn Nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước vẫn rà soát lại toàn bộ theo hồ sơ họ cung cấp để ra kiến nghị theo thẩm quyền.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho hay, vừa qua vụ án ở Ngân hàng SCB có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán và đặc biệt là trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước ở các vụ việc như SCB.

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Văn Tuấn cho hay, vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan và không thuộc phạm vi Kiểm toán Nhà nước. Theo ông, SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập và khẳng định “trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi tham nhũng. Ghi nhận nhiều năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng mặc dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng ở đâu đó vẫn có bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Vậy phải làm gì để xử lý nghiêm hành vi tham nhũng nhưng vẫn bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu muốn tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “đánh chuột không vỡ bình” thì cần làm tốt 3 việc: Trước tiên cần xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; cùng với đó cần xây dựng thiết chế nhằm phát hiện, xử lý nghiêm để không dám tham nhũng; cuối cùng là xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để không cần tham nhũng.

Trước hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm như thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để quy định rõ từng nhiệm vụ của từng công chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, lượng hóa công tác đánh giá…

Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) nêu tình huống khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán mà không phát hiện sai phạm song khi cơ quan chức năng vào điều tra lại lộ ra nhiều sai phạm lớn thì trách nhiệm này thuộc về ai, tập thể hay cá nhân?

Về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuấn cho hay điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán vào cuộc nếu không phát hiện sai phạm.

Theo đó, với báo cáo kiểm toán đã phát hành không nêu về sai phạm nhưng sau đó cơ quan chức năng vào cuộc lại xác định có vi phạm, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng sẽ tùy theo trách nhiệm mà xử lý hình sự hoặc hành chính, từ đó sẽ làm rõ trách nhiệm tập thể hay cá nhân.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Kiểm toán Nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực”, ông Tuấn cho biết.

Giải pháp quản lý thương mại điện tử 

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai  (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề về cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp trong thực hiện cam kết nói không với hàng giả trong thương mại điện tử.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thực đã khó, ở môi trường điện tử còn khó hơn nhiều, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ bộ, ngành cho đến địa phương, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Trong đó, các sàn thương mại điện tử ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các đơn vị này. Ngoài việc các sàn tự kiểm tra, phát hiện, xử lý, Bộ Công Thương cũng có cơ chế giám sát các sàn thương mại điện tử thông qua theo dõi để phát hiện những sản phẩm vi phạm qua hệ thống công nghệ thông tin.

Đồng thời, Bộ cũng phát hiện vi phạm thông qua tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng theo cơ chế trực tuyến 24/7 và Tổng đài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khắp cả nước; từ đó phạt tiền hoặc đình chỉ kinh doanh đối với các sàn thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an triển khai thực hiện định danh tài khoản người bán trên thương mại điện tử nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các sàn giao dịch này.

Đối với ý kiến chất vấn của đại biểu Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra nhiều rủi ro, Bộ trưởng cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu thế phổ biến, tất yếu.

Để giảm thiểu rủi ro, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; đồng thời, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên môi trường điện tử và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu trực tuyến; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Công Thương cũng dự kiến trình Chính phủ ban hành quy định nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại biên giới, theo đó sẽ tách bạch giữa hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử; đồng thời, bãi bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với khách hàng có giá trị nhỏ để kiểm soát được chặt chẽ và chống thất thu nguồn thuế trong nhóm hàng hóa này.

 “Chia lửa” với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng,  thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số. Công nghệ luôn sinh ra các vấn đề của công nghệ. Cách tốt nhất giải quyết vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.

Theo ông, vừa qua chúng ta đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công nghệ số nhằm thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng và phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.

Bộ trưởng khẳng định, trên sàn thương mại điện tử có hàng triệu sản phẩm, đi theo nó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người quản lý mà phải dùng công nghệ số.

Môi trường số thực ra tạo cơ hội quản lý toàn diện, có thể giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, ngăn chặn hành vi trái phép, giao dịch bất thường nhưng phải dùng công nghệ hiện đại, như phát triển phần mềm phát hiện quảng cáo sai sự thật, hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái.

Các nền tảng số, sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI rà quét, chặn lọc các tài khoản, nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật dựa trên các ảnh chụp vi phạm quảng cáo điển hình do Bộ cung cấp.

“Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể viết được các phần mềm này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định và cho biết, Bộ TTT&TT sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành giúp bộ Công Thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư phát triển công cụ số quản lý thương mại điện tử nói riêng và không gian mạng nói chung.

Châu Giang

Báo Lao động Xã hội số 68

 

Tin liên quan