Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm sao để không còn phải "giải cứu" nông sản

“Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu câu hỏi tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội của Quốc hội chiều 25/5

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định,  những kết quả tích cực đạt được về KT-XH thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thì “vẫn còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ”. Một trong số đó là “các vụ giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn”. Theo đó, “giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu, thanh long và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản”. 

“Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản - đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu nêu vấn đề và cho rằng, đó mới chính là giải pháp căn cơ lâu dài trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thay vì bàn cách giải cứu nông sản, chúng ta nên bàn cách không phải giải cứu nông sản


“Theo tôi, để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện thì cần phải thực hiện hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ chuyện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản”- đại biểu nhấn mạnh.

 Tuy nhiên, “để chuyển được tuy duy như vậy không phải một hai mùa vụ mà có thể triển khai được hoặc tự phát ở nơi riêng lẻ, ở từng địa phương, từng ngành hàng nông sản mà rất cần một hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy, cần phải đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật về tăng sản lượng mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với thông tin thị trường, công nghệ bảo quản chế biến nông sản và phát triển thị trường.”- đại biểu đề xuất.

Đề cập đến thực trạng “được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp, ” đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, trong thời đại 4.0 thì nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sản xuất theo địa chỉ tiêu dùng. “Nhiều nước người ta có thể để ruộng đất bỏ không khi không tìm được nơi tiêu thu. Trong khi nông dân chúng ta sản xuất theo trào lưu mà không tính đến cung- cầu, đó là nguyên nhân của một loạt các cuộc giải cứu nông sản trong thời gần đây Theo tôi phải xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn diện về chỉ dẫn hợp lý với năng lực sản xuất, sản lượng, giá cả và một môi trường kết nối internet, như thế  mới có thể giải tỏa việc giải cứu nông sản và tình trạng được mùa mất giá. Đó  không chỉ trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của bộ, ngành khác

“Nông nghiệp thông minh là phải lựa chọn những công nghệ mới dựa trên những phân tích về cơ sở dữ liệu để lựa chọn giống cây con thích ứng với năng lực sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng . Như vậy, vai trò điều tiết của ngành nông nghiệp mới đi đúng hướng”- đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.