Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lan tỏa các mô hình tình nghĩa trong đại dịch

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì có rất nhiều các mô hình thiện nguyện chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động mất việc. Việc làm này không chỉ giúp những người khó khăn yên tâm ở nhà chống dịch mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

San sẻ yêu thương cùng nhau vượt qua đại dịch

Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, đất nước ta lại đối mặt với làn sóng dịch Covid -19 lần thứ 4. Đợt dịch này được đánh giá có quy mô và diễn biến phức tạp nhất từ trước tới nay, gây tác động và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân TP Hồ Chí Minh. Trước những khó khăn ấy, với tinh thần "tương thân tương ái", "không để ai bị bỏ lại phía sau", các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng những tấm lòng hảo tâm đã chung tay xây dựng nên nhiều mô hình thiện nguyện, nhiều cách làm sáng tạo giúp bà con khó khăn vượt qua đại dịch một cách tốt nhất.

Lan tỏa các mô hình tình nghĩa trong đại dịch - Ảnh 1.

Siêu thị 0 đồng tại Hà Nội giúp người dân khó khăn vượt qua đại dịch.

Báo cáo về kết quả chăm lo cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch Covid-19 của Hội LHPN TPHCM vào ngày 10/8 cho biết: Trong thời gian dịch bệnh Covid -19 bùng phát, Hội LHPN TPHCM thường xuyên quan tâm, hỗ trợ chăm lo hội viên phụ nữ và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đặc biệt là ở các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn TPHCM. Theo đó, các cấp Hội đã vận động các Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ hỗ trợ công nhân giảm giá phòng trọ từ 20% đến 50% cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; Tổ chức tốt các mô hình trao yêu thương kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với bà con có hoàn cảnh khó khăn như: Mô hình "Bếp cơm nghĩa tình", "Bữa sáng yêu thương", "Tủ bánh mì nghĩa tình"... "Bếp nhỏ nhà Hội", mô hình "Đi siêu thị thay, không phí vận chuyển", "Shipper phí 0 đồng", mô hình "Gian hàng 0 đồng", mô hình "ATM gạo", mô hình thiết kế "Tấm chắn giọt bắn", "Đồng hành cùng nữ công nhân",... giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế đang thực hiện giãn cách xã hội có được thực phẩm sạch, tươi sống mỗi ngày.

Lan tỏa các mô hình tình nghĩa trong đại dịch - Ảnh 2.

Những suất cơm miễn phí giúp lao động nghèo ấm lòng trong đại dịch.

Hiện nay các cấp Hội có 165 bếp ăn hàng ngày nấu các suất ăn sáng trưa chiều, nước uống hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch tại các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn TPHCM. Đến nay đã nấu và trao tặng 873.815 suất ăn (cơm, bánh mì, xôi, hủ tíu, nui, bánh canh, cháo...) và các loại nước uống (nước chanh xả gừng, nước cam, nước sâm, nước tắc, trà sữa...) với tổng trị giá hơn 18,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội LHPN TPHCM cũng đã vận động các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hỗ trợ mô hình "Trao yêu thương", "Phiên chợ 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", "Điểm bánh mì 0 đồng", "Phiên chợ nghĩa tình"... đã trao tặng 330.488 phần quà (mì gói, gạo, nhu yếu phẩm...) và tiền mặt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bán vé số, những người vô gia cư, người già neo đơn, người khuyết tật, nữ công nhân tại các khu nhà trọ và các lực lượng chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, với tổng kinh phí hơn 75,2 tỷ đồng.

Lan tỏa các mô hình tình nghĩa trong đại dịch - Ảnh 3.

Siêu thị 0 đồng cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân nghèo Thủ đô.

Bên cạnh việc hỗ trợ các nhu yếu phẩm thì mới đây, chương trình ATM oxy với thông điệp "Trao oxy – nối dài sự sống" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, nhóm tình nguyện viên PHGSmarthome đã phối hợp triển khai tại TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ điều trị Covid-19 và người bệnh đang điều trị bằng oxy. Giai đoạn đầu, ATM oxy sẽ hoạt động từ 8-17 giờ hằng ngày, cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe của cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 sớm hồi phục. Chương trình triển khai 90 bình oxy loại 8 lít để lập trạm ở các Quận đoàn, Huyện đoàn trên địa bàn 6 địa phương gồm các quận: 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Túi an sinh hỗ trợ người lao động

Giống như TP HCM, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm đảo lộn đời sống xã hội ở Hà Nội. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ nhau lúc khó khăn lại được nhân lên. Nhiều nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng được lan tỏa.

Mới đây, Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan khai trương "Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, hỗ trợ cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của gần 1.000 lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do dịch COVID-19, sinh viên nghèo "mắc kẹt" tại các khu ký túc xá, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các nhóm đối tượng khó khăn khác. Mỗi hộ gia đình được phát phiếu quà tặng trị giá 400 nghìn đồng để mua hàng tại siêu thị. 

Cùng với đó, chương trình "Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp Nhóm Thần tốc Hà Nội tổ chức. Chương trình đã trao bữa cơm cho người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Hà Nội, trong thời gian Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội. Những suất ăn nghĩa tình mang theo tình cảm, sự sẻ chia của những người hảo tâm, làm ấm lòng bà con đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Liên đoàn Lao động Tp Hà Nội cũng đã triển khai mô hình "Túi an sinh Công đoàn" để hỗ trợ người lao động. Mức hỗ trợ mỗi "Túi an sinh Công đoàn" (gồm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu) không quá 200.000 đồng/người lao động hoặc 1 phòng trọ. Kinh phí mua các sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ công nhân lao động chi từ nguồn tài chính Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 50% và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ 50%. Theo kế hoạch, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ khẩn cấp công nhân lao động khó khăn tại 5 khu cụm công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Nội Bài (1.000 công nhân), Khu công nghiệp Quang Minh (1.000 công nhân), Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm (500 công nhân), Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (500 công nhân), Cụm công nghiệp Quất động (500 công nhân).

Lan tỏa các mô hình tình nghĩa trong đại dịch - Ảnh 5.

Hàng ngàn suất cơm miễn phí được trao đến tay lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, rất nhiều nơi trên các tuyến đường Hà Nội, các điểm cung cấp rau xanh, thực phẩm miễn phí cho người nghèo được dựng nên như: Điểm phát gạo, mì, nước uống tại 68 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; điểm phát thực phẩm tại 47 Bát Đàn…

Có thể thấy rằng mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thì sự đồng lòng của người dân với Chính phủ càng được thể hiện rõ hơn. Sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn cũng được nhân lên gấp bội. Điều đó cho mỗi người dân thêm tin tưởng vào sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Việt Nam nhất định sẽ sớm kiểm soát, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh Covid-19, để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

CHÂU ANH
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ