Làng mùa Đông thanh nhàn hơn hẳn, vì vụ tháng 10 thóc đã phơi xong, những chân ruộng màu cũng chỉ bận theo lứa gieo trồng, chứ không tất bật như ngày mùa.

Già làng. Ảnh: Lê Thiết Cương
Ngõ nhỏ, cỏ gà bên đường cũng trụi đi vì rét. Duy chỉ con đường dẫn đến chợ Chùa sớm mai, ngày mùa Đông hình như không bớt người. Những cụ già lưng còng vẫn mang áo ấm, đội khăn đi chợ. Có cụ đi ăn quà, cụ đi mua trầu vỏ, nhưng cũng có cụ cũng chỉ là đi gặp bạn bè, nói câu chuyện cho vui mà thôi. Những chiếc áo nhung, áo len có kim tuyến lấp lánh. Có cụ cắp thúng đi chợ quá buổi đem về lửng thúng quà. Nào thì cau trầu cho mình, bỏng ngô cho cháu, rồi lại mớ cá diếc, dự về kho tương ăn những ngày lạnh.
Các cụ cười móm mém, nếp thời gian hằn in trên gương mặt, môi cắn chỉ trầu thuốc đỏ thắm. Dưới gốc đa trong chợ, người bán chè xanh đon đả mời nước và tiếp chuyện các cụ. Hết mùa Đông là Tết, dường như cái lạnh này cũng chỉ là dấu mốc để đánh dấu mùa, chứ để tính và toan lo là các cụ tính mọi lẽ cho cái Tết ta của mùa xuân tới. Làng chẳng ai còn đói, con cháu đã lớn khôn, có cửa nhà, cụ thì đã để con lo việc nhà, việc làng, cụ vẫn đau đáu, lo con không chu toàn việc họ. Bát nước chè xanh vợi đi mà câu chuyện vẫn chưa ngưng. Chợ đã thưa người, các cụ cũng trở về nhà, kết thúc một buổi chợ. Có cụ như sực nhớ ra cái lạnh mùa đông, quàng lại khăn cho chặt rồi mới thận trọng bước đi. Mấy hàng rau gánh ra muộn, giờ này vẫn còn nửa quang gánh mời khéo, có cụ lại lần tiền mua dăm mớ. Mấy cô hàng xén tốt mời lại mời các cụ mua trâm, khăn vấn, tóc độn. Cụ mua xong rồi, nhẩm tính tiền, rồi như chợt nhận ra, cười toáng, nói rõ to:
- Chết, chết, tiêu hoang quá! Mua cả chợ về đây này.
Rồi như dứt khoát, cụ đứng lên, lật đật bước nhanh khỏi sự hấp dẫn của những món hàng như đê tay hay kéo bấm. Người già rất hay thích mua sắm, mua những thứ cho cháu con và cho mình, mua cả những thứ xa xưa hay dùng, như cái đê tay chẳng hạn. Giờ áo mặc chưa rách con cháu đã giục bỏ đi, mua cho áo mới, mắt lại kém, khâu sao được, thế mà thấy cái đê đồng là mua cho bằng được. Có khi ngồi ngắm cái đê và kể chuyện làm ren suốt mấy chục năm, từ thủa 12 tuổi đã biết đánh bọ, 16 tuổi đã thạo từ đường bô đê, cho đến các loại hoa. Câu chuyện từ những năm hợp tác cho đến khi khoán sản phẩm đến người lao động, rồi lại sang đổi mới…

Chiều đông. Ảnh: Nguyễn Huy
Chợ vãn phiên, mỗi người một câu, mà cũng đến giờ cơm nước, dẫu bụng chưa thấy đói thì cũng phải về nhà. Trên con đường nhỏ, những đứa trẻ tan học về sớm cười nói râm ran. Cái lạnh không theo kịp bước bọn nhỏ, khi chúng bước thuỳnh thuỵch trên ngõ làng. Chúng trêu cả những đứa đi xe đạp qua. Gió vờn qua mũ áo, mũ len và những mái tóc tơ lòa xòa vì gió hanh. Dường như cái đói đang nhắc bước chân chúng bước vội. Chúng có thể nói với nhau không ngớt chuyện nhưng đôi đứa vẫn nói với nhau về món ăn trưa nay trong mâm cơm nhà mình. Trẻ con quê, nhu cầu cũng đơn giản. Học một buổi, ăn cơm buông bát là lo việc nhà cửa, đồng áng. Nhà nào trồng mầu thì lo đi xáo khoai, đánh luống, hay đi bẻ ngô. Nhà nào chăn nuôi cũng lo con gà, con lợn là đến chiều. Có lạnh mấy thì việc cũng cuốn đi.

Giếng làng mùa đông. Ảnh: Mai Nguyễn
Chiều mùa Đông trong làng yên ắng hơn sáng. Cánh đi chợ bán hàng ngoài tỉnh về đến làng lẻ tẻ. Người về sớm còi pin pin khi rẽ ngõ, túi thức ăn treo lủng lẳng bên xe. Người về muộn, làng đã lên đèn từ lâu. Bữa ăn tối trong ánh điện sáng, nồi cơm điện cắm từ sớm, rau đã sẵn trong ruộng nhà, thịt đợi mẹ về nấu nóng sốt là ăn. Bữa ăn thơm mùi hành trong thịt cháy cạnh, dậy mùi nhà ai nấu giả cầy mẻ, mắm tôm. Có nhà có giỗ chạp gì mà thắp hương từ sớm, khói trầm lan cùng mùi xôi nếp, món xào… Làng tối sớm hơn phố, 7 giờ là tối om, cũng tầm 7 giờ là cơm nước nhà nào nhà nấy cũng đã xong, đám tuổi đi học đã ngồi vào bàn, lo học sớm. Rét mấy thì mai cũng phải dậy sớm lo cơm ăn đi học, bởi bố mẹ còn đi chợ tỉnh từ tờ mờ sáng.

Ảnh: Nguyễn Quang
Làng rộng, nên ngọn gió lùa vào từng căn nhà, cái áo đẹp mẹ không mặc đi chợ bao giờ mà dành để đến Tết. Áo biếu bà, áo cho con bằng bạn, khỏi tủi thân, rồi mới đến cái áo của mẹ. Mẹ đánh được đôi khuyên tai vàng biếu bà mà vui từ tháng chạp vui đi. Mẹ bảo Tết này bà có quà như mong ước, thế là mừng lắm. Mẹ còn bảo dành tiền, đến hội mẹ may áo dài, Tết cứ là cái áo cũ cho mẹ là được.
Làng mùa Đông, những câu chuyện khiến ngọn gió phất phơ không còn lạnh. Ngô nướng lép bép bên ấm trà nóng hổi, bà ngắm nhìn đôi khuyên tai mới, chưa ngủ. Qua mùa Đông là Tết, ai cũng khấp khởi cho mùa mới, chẳng mấy người thấy sợ cái rét mùa Đông.
Nguyễn Minh Hoa/GĐTE