Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tỉnh có 1 thành phố thuộc đô thị loại II và 10 huyện với 200 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 88 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 200.489 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số), 79.871 trẻ em dưới 6 tuổi, 2.693 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 38.811 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: trẻ em sống trong hộ nghèo 19.864, hộ cận nghèo 15.795 trẻ em; 534 trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội (cha, mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS); 367 trẻ em sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội (cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc thành viên gia đình nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm); 403 trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa (trẻ em phải sống xa cả cha và mẹ liên tục từ 6 tháng trở lên); 257 trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật (cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc thành viên gia đình đang trong thời gian chấp hành xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự); 1.315 trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ; 276 trẻ em bỏ học khi chưa học xong chương trình trung học cơ sở.
Nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (XPPHVTE). Sở LĐ-TB&XH hằng năm đều xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg. Theo đó, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gồm 13 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1.000 điểm.
Trên cơ sở đó, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND các huyện, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, công tác XPPHVTE nói riêng. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí theo Quyết định số 06/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn trình tự đánh giá và công nhận XPPHVTE.
Theo đó, 100% các xã, phường, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ký cam kết thực hiện xây dựng XPPHVTE; 100% xã, phường, thị trấn đã lồng ghép chỉ tiêu này với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu xây dựng trường và trạm y tế chuẩn quốc gia…
Sau một thời gian triển khai thực hiện xây dựng XPPHVTE, các quyền cơ bản của trẻ em đã được tỉnh Lạng Sơn thực hiện nghiêm túc, như: quyền khai sinh; được chăm sóc sức khỏe; được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; quyền được tham gia học tập; quyền được phát triển; Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi; Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; Trẻ em đến trường, lớp mầm non; Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tàn tật được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực...
Trong quá trình triển khai, chương trình xây dựng XPPHVTE đã được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Các nội dung của chương trình xây dựng XPPHVTE được lồng ghép với các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, tính đến hết năm 2021, Lạng Sơn có 183/200 xã, phường, thị trấn đạt XPPHVTE (đạt tỷ lệ 91,5%); còn 17 xã chưa đạt do có trẻ em bị tai tạn thương tích dẫn đến tử vong và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, qua theo dõi và đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn, tỉnh vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền tại cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác XPPHVTE, do đó kết quả đạt được ở một số tiêu chí còn thấp. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở một số xã, thị trấn còn hạn chế; hiện nay một số địa phương chưa có công chức chuyên trách phụ trách công tác trẻ em; đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã, phường, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một số gia đình, cộng đồng còn hạn chế nên tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em tử vong do tai nạn thương tích và trẻ em tử vong do đuối nước vẫn còn xảy ra. Một số ít cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp huyện và cấp xã chưa thực sự sâu sát với công việc, chỉ đạo chưa quyết liệt nên hiệu quả công việc đạt chưa cao dẫn đến một số nơi vẫn có trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích; trẻ em bị xâm hại…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở; tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận XPPHVTE. Phấn đấu XPPHVTE toàn tỉnh đạt tỷ lệ 95%. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, có sự khởi đầu tốt đẹp, được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của mình, có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.