Nhiều hoạt động có thể tạm dừng, trừ lao động, sản xuất
Phải nhìn nhận thế này: Lao động, sản xuất chính là cuộc sống. Vì vậy, trong những tình huống đặc biệt, nhiều hoạt động khác có thể tạm ngừng nhưng lao động sản xuất thì không bao giờ dừng. Nếu dừng lao động, sản xuất – cuộc sống sẽ chấm dứt. Phải tư duy theo hướng như vậy thì trong đầu mọi người mới không xuất hiện ý nghĩ tạm dừng công việc, không vận hành máy móc, không cấy lúa, không thu hoạch mùa...
Chúng ta lao động sản xuất trong mọi tình huống không hẳn chỉ để sản xuất ra của cải, vật chất, mà còn để khẳng định ý chí của con người không lùi bước, không chịu bó tay trước mọi khó khăn, nguy hiểm. Đây không phải thái độ ngạo mạn, thách thức thiên nhiên, mà là triết lý sống của con người trong thời biến đổi khí hậu. Như chúng ta thấy, trong thiên nhiên còn nhiều điều bí ẩn, có những loại virus mới xuất hiện gây bệnh tật, chết chóc cho con người. Điều nguy hiểm là con người chưa biết, chưa hiểu, chưa có cách đối phó hiệu quả với những loại virus này.
Hiện nay, Virus Covid-19 đang “tác oai, tác quái” ở Trung Quốc và một số quốc gia trên thế giới. Sinh hoạt ở nhiều nơi bị đảo lộn, con người ưu tiên cho việc phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, việc lao động, sản xuất vẫn được tiếp tục ở mọi nơi, vì đây là nguồn sống và chính là cuộc sống của bản thân con người.
Dù dịch Covid – 19 đang diễn ra, 98% doanh nghiệp và người lao động làm việc bình thường
Dịch Covid-19 diễn ra ở một thời điểm rất nhạy cảm: Nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo truyền thống, hầu hết người lao động nghỉ làm việc để đón Tết. Thông thường, sau Tết, một số lao động không vội vã trở lại nơi làm việc. Năm nay, có thêm dịch Covid-19 nên chuyện người lao động có thể trở lại nơi làm việc muộn hơn, ít hơn là có thể hiểu được.
Nhưng tình hình đã không diễn ra như vậy. Sáng 13/2/2020, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang đã tới làm việc và kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất ở tỉnh Thái Nguyên – nơi khá gần gũi với “ổ dịch” Vĩnh Phúc. Tại đây, đoàn đã đến thăm Công ty TNHH Samsung Electronics VN Thái Nguyên (KCN Yên Bình, Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên). Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung VN cho biết, công tác phòng chống dịch Covid-19 được chú trọng ở nhiều cấp. Hơn 130.000 lao động của Công ty tại VN đều được tuyên truyền đầy đủ về phòng chống dịch. Đồng thời, Công ty cũng chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm và phải cách ly.
Quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là cố gắng không để Covid-19 ảnh hưởng tới người lao động. Tại Thái Nguyên, hiện 100% doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường sau Tết. Tổng hợp báo cáo nhanh của 30/63 tỉnh, thành cũng cho thấy có đến 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc bình thường sau Tết Nguyên đán; không khí lao động, sản xuất của các doanh nghiệp cũng như của dân là phấn khởi, tự tin. Đây là tín hiệu tốt đẹp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang đã tới làm việc và kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Mạnh Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đến thăm và tặng quà công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics VN Thái Nguyên (KCN Yên Bình, Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên). Ảnh: Mạnh Dũng
Cần tổ chức lao động, sản xuất hợp lý hơn
Hiện nay, việc lao động sản xuất có vô vàn các hình thức khác nhau. Có những người có thể làm việc từ bất cứ đâu với một chiếc laptop, hoặc điện thoại di động. Do vậy, không nhất thiết phải đến văn phòng, không nhất thiết phải gặp nhau mới làm việc được. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta cần tổ chức lao động, sản xuất hợp lý hơn, cần sáng tạo nhiều hơn, dũng cảm hơn, có trách nhiệm hơn.
Một sự kiện có ý nghĩa cũng diễn ra vào ngày 13/2/2020 tại TP. Cần Thơ. Đó là việc Tổng Liên đoàn Lao động VN phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khai mạc Hội thảo “Thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp – Vai trò và sự tham gia của người lao động”. Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề gồm: Kỳ vọng của Liên minh Châu Âu và việc thực hiện trách nhiệm trong ngành gỗ và thủy sản tại VN; Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước bối cảnh hội nhập; Đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp; Kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động; Thực hiện trách nhiệm xã hội của Hợp tác xã trong Liên minh Hợp tác xã VN và thực hiện chính sách pháp luật về lao động trong khu vực hợp tác xã và một số vấn đề có ý nghĩa khác.
Trong những ngày đầy biến động này thì có một tin vui là Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với VN, đặc biệt đối với người lao động VN. EVFTA đưa ra một chương trình quản lý lao động mang tính trách nhiệm của xã hội. Khi các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình là lúc chúng ta có thể nói tới một xã hội văn minh. Xã hội văn minh khi nào cũng được xây dựng trên nền tảng việc lao động, sản xuất được tổ chức rất khoa học, rất hợp lý.
Với tất cả chúng ta, lao động là nguồn sống, là lẽ sống và chính là bản thân cuộc sống, vì vậy, lao động, sản xuất không bao giờ ngừng nghỉ.
Hồ Bất Khuất/GĐTE