Gần 2 năm qua, người dân xã Cầu Lộc, (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã quá quen thuộc với hình ảnh một lão nông hơn 60 tuổi, tóc hoa râm ngày ngày đạp chiếc xe “xích lô tự chế” đưa đón các cháu đến trường băng qua các con đường làng.
Ông Lược bên chiếc "chuyên xe" tự chế của mình
Ông là Nguyễn Trọng Lược (65 tuổi), thôn Cầu Thọ, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc. Chúng tôi gặp ông vào một buổi chiều tại trường mầm non xã Cầu Lộc, lúc ông đến đón các cháu tan học buổi chiều. Trong sân trường có hàng chục phụ huynh đến đón con cháu nhưng ông được mọi người chú ý bởi đặc biệt hơn cả vì có chiếc “chuyên xe”. Hỏi ra mới biết, chiếc xe mà ông tự sáng chế này là chiếc xe “độc nhất vô nhị” tại địa phương.
Tranh thủ lúc các cháu chưa tan trường, ông Lược chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống gia đình cũng như chiếc xe đặc biệt do mình chế ra. Ông vốn là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo bảo vệ tổ quốc, mang trên mình vết thương, hiện ông đang được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4. Ông lập gia đình và sinh được 5 người con, trong đó có 3 người con trai và 2 con gái.
Vợ chồng ông bà quanh năm chỉ gắn bó với ruộng đồng để nuôi các con khôn lớn. Vì gia cảnh khó khăn nên các con ông không được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên lập gia đình rồi đi làm công nhân hoặc đi làm thuê ở xa. Vì thế mà các cháu đều được ông bà nuôi dưỡng chăm sóc. Hơn 5 năm qua, công việc chính của vợ chồng ông là chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu nhỏ trong gia đình.
Vật dụng làm nên chiếc "chuyên xe" ông Lược tận dụng từ chiếc xe đạp cũ của gia đình
Những năm gần đây, bốn đứa cháu nội đều đến trường đi học, khó khăn chồng lên đôi vai ông bà khi mỗi ngày phải hai buổi đưa đón các cháu đến trường để bố mẹ chúng yên tâm công việc. “Mấy năm trước chỉ có vài đứa đi học nên tôi chỉ đi xe đạp hoặc xe máy là có thể chở các cháu đến trường được. Hai năm gần đây cả bốn đứa cháu nội, cộng thêm một đứa cháu ngoại đều đi học nên một mình tôi không sao chở hết các cháu trên một chiếc xe đưa đến trường được. Không những khó khăn về chỗ ngồi mà cũng rất nguy hiểm khi tham gia giao thông” - ông Lược chia sẻ.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông quyết định chế ra một chiếc xe riêng biệt để thuận tiện cho việc đưa đón các cháu đến trường. Ban đầu, ông cũng nghiên cứu và định làm nhiều mẫu xe chế khác nhau nhưng tất cả đều không phù hợp với đường làng, ngõ xóm lại rất hẹp, nhất là mỗi buổi tan trường rất đông phụ huynh và học sinh nên rất khó lưu thông.
Nghĩ rồi, ông quyết định chế một “chuyên xe” từ chiếc xe đạp cũ của gia đình. Ông tự lên ý tưởng từ mẫu xe xích lô, vẽ minh họa rồi mang chiếc xe đạp của gia đình đến cho thợ cơ khí trong làng gò hàn, tạo thêm một chiếc thùng xe có hai bánh gắn về phía trước (giống xe xích lô). Chiếc thùng rộng hơn 50cm, dài gần 1m như một chiếc "cabin", bên trong có hai dãy ghế ngồi gắn bằng hai miếng gỗ. Phía trên có mái che chắn mưa nắng để các cháu không bị ảnh hưởng thời tiết mỗi khi xe lưu thông. Phần tay lái cũng như phía sau chiếc xe đạp vẫn được giữ nguyên để chở thêm những vật dụng khi cần thiết.
“Tổng chi phí cho việc làm chiếc xe hết hơn 1 triệu đồng, lúc đầu nghe tôi có ý định làm chiếc xe này vợ cũng những các con đều không đồng ý vì chưa hiểu hết được ý định. Giờ thì ai cũng thấy yên tâm hơn khi có chiếc xe đặc biệt này. Năm đứa cháu nội ngoại mỗi ngày đến trường hai buổi đều một mình tôi đưa đi đón về an toàn. Mọi người trong gia đình không còn gì phải lo lắng” - ông Lược tâm sự.
Ông tâm sự thêm: “Thấy tôi làm chiếc xe không giống ai này, ban đầu mọi người trong làng ngoài xóm ai cũng rất ngỡ ngàng. Sau khi thấy tôi vận dụng nó một cách trơn tru ai cũng thấy hay và ý nghĩa. Nếu đi xe máy đón các cháu mỗi giờ tan trường phụ huynh và học sinh quá đông không sao mà chen chân được, hơn nữa lại không đảm bảo được an toàn. Tôi đi chiếc xe này vừa an toàn, không mất tiền mua nhiên liệu mà mình lại khỏe ra”.
Mỗi ngày 8 lần ông Lược đi đi về về đưa đón các cháu đến trường
Mỗi ngày ông Lược mất tám lần đi đi về về đón đưa các cháu đến trường vì cả 5 đứa cháu nhỏ học ở trường tiểu học và mầm non đều không ăn bán trú. Tuổi cao,sức yếu nên ông Lược thêm phần khó nhọc hơn gấp nhiều lần nhưng ông lại có thêm niềm vui, ông cháu vui vẻ thoải mái mỗi ngày đến trường trên chiếc “chuyên xe” đặc biệt của mình.
“Sáng vợ chồng tôi phải dậy sớm nấu ăn sáng cho các cháu, 6h30 là cho các cháu lên xe đưa đến trường. Khoảng 10h30 lại đến đón về cho các cháu ăn cơm, nghỉ ngơi buổi trưa, 13h30 lại đưa các cháu đến lớp, chiều thì khoảng 16h là đến đón về. Trong khoảng thời gian các cháu học ở trường, ông bà tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo cho các cháu là hết buổi” - ông Lược cho hay.
Các cháu ông Lược thích thú được ngồi trên "chuyên xe" của ông
Chiếc “chuyên xe” của ông Lược giờ đây được rất nhiều người dân địa phương thích thú và xem đó như một việc làm hữu ích và thiết thực. Không chỉ người dân, ban giám hiệu các nhà trường nơi có các cháu ông Lược đang học mà cả lãnh đạo địa phương đều rất tán dương việc làm của ông khi các chiếc xe đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ. Nhiều người dân còn khuyến khích nhau, để giảm áp lực mỗi khi đưa đón các cháu nhỏ gia đình nào đông con cháu nên vận dụng mô hình chiếc “chuyên xe” của ông Lược để đảm bảo an toàn giao thông đường làng ngõ xóm mỗi khi đưa đón con cháu.
Không chỉ thuận tiện cho công việc đưa đón, ông Lược còn tiết kiệm được tiền mua nhiên liệu, có thêm sức khỏe khi đi "chuyên xe" này mỗi ngày
Ông Trần Hữu Văn, xã Cầu Lộc tâm sự: “Trường hợp đông cháu như gia đình ông Lược ở địa phương không phải là ít, nhiều gia đình đưa con cháu đi học bằng xe máy hay xe đạp phải mất nhiều chuyến hay chở nhiều cháu trên một xe rất nguy hiểm. Không những mất an toàn cho bản thân mà bà con làng xóm khi tham gia giao thông cũng rất lo lắng, nhất là giờ tan trường. Ý tưởng của ông Lược là cách làm hay, không chỉ thuận tiện cho việc đưa đón các cháu mà còn rất an toàn khi tham gia giao thông. Tôi nghĩ mọi người nên học hỏi về chiếc xe đặc biệt này”.