Nhà cửa chật chội và bữa cơm đạm bạc của nữ công nhân KCN Bắc Thăng Long.
Gánh nặng mưu sinh
Chúng tôi tới thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi có hàng nghìn công nhân của Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long thuê trọ. Mới thấy, cuộc đời sao nhiều nỗi éo le.
Trong một khu nhà trọ “ổ chuột” ở làng này, hai dãy cấp 4 lụp xụp “úp” mặt vào nhau lúc nào cũng tối om om. Phía trên là chi chít các loại quần áo.
Phải khó khăn lắm mới có thể vượt qua được những dây phơi quần áo giăng như mạng nhện trên đầu để vào một phòng trọ. Căn phòng chỉ rộng khoảng 10m2 lợp Phibrô ximăng. Hôm ấy trời nắng, trong phòng ngột ngạt khó thở. Đập vào mắt là chiếc giường chiếm phần lớn diện tích căn phòng. Vậy mà đây là “tổ ấm” của Hà (27 tuổi, quê ở Hà Giang) và 3 nữ công nhân khác. Hà kể:
- Hai bạn em làm ca sáng, còn em làm ca tối đến 7 giờ tối mới đi làm nên nhà cũng bớt chật chội. Nếu như cả 4 chị em cùng nghỉ một lúc thì hai người phải nằm dưới đất…
Vừa thu dọn nhà cửa, Hà vừa kể chuyện về cuộc sống gian truân của mình. Học xong trung học, không có đều kiện học tiếp nên Hà quyết định rời quê Hà Giang xuống KCN Bắc Thăng Long tìm việc. Cũng như các nữ công nhân khác, Hà dời quê hương ra đi mang theo hi vọng kiếm thêm chút thu nhập gửi về phụ giúp bố mẹ và đỡ đần các em ăn học. Hồi đó, lúc mới tròn 18 tuổi, Hà đã chân ướt chân ráo bước vào KCN. Vậy mà mới đó cũng đã ngót chục năm... Năm đó nhẹ dạ, cả tin, Hà đưa hồ sơ xin việc và lệ phí cho một “cò” để hi vọng xin được việc sớm nhất. Ai dè tiền, hồ sơ và người nhận hồ sơ mất hút. Hết tiền, Hà đành cầm cố giấy tờ để vay tiền về quê xin bố mẹ trợ cấp lần nữa để xuống KCN xin việc.
Nhiều năm liền, để có thêm thu nhập, Hà và các bạn phải làm tăng ca liên tục. Lương mỗi tháng kể cả tăng ca Hà nhận được gần 4 triệu đồng. Nhiều năm làm công nhân, Hà cũng chưa dành dụm được đồng nào vì ngoài chi phí cuộc sống tối thiểu, Hà phải gửi tiền về quê đỡ đần bố mẹ và hai em ăn học.
Cùng phòng với Hà là Lan, cô gái quê ở Yên Bái. Lan nói, dù vất vả nhưng đi làm công nhân ở KCN vẫn là sự lựa chọn duy nhất. Bởi con nhà nông vốn nghèo sau khi học hết phổ thông, ở nhà cũng chẳng biết làm gì ra tiền. Thôi thì theo chúng bạn xuống KCN làm công nhân. Ngồi lắp ráp linh kiện trong nhà máy không sướng gì nhưng dẫu sao thu nhập vẫn hơn ở nhà làm ruộng- Hà nói.
Lương thấp, họ ăn uống rất dè sẻn. Thức ăn cho cả ngày cũng chỉ gói gọn trong vài chục nghìn đồng. Các hoạt động vui chơi, giải trí ở bên ngoài hầu như họ không có điều kiện tham gia. “Tụi em làm đồng lương có bao nhiêu đâu, nhưng nếu nghỉ thì bị trừ đủ thứ. Đã vậy, ở đây lại mất cắp thường xuyên, nhiều khi ngày phơi quần áo ra hiên, tối về chả còn chiếc nào. Đành lại phải bỏ tiền ra mua lại. Làm lụng vất vả nhưng chả có đồng nào lận lưng”. Chinh, một nữ công nhân thở dài khi nói đến thu nhập và tương lai.
Những cô gái từ các vùng quê đến với nghề công nhân KCN vì nhiều lý do khác nhau, nhưng cùng chung cuộc sống bếp bênh và tương lai khó đoán định. Các công ty, nhà máy vận hành theo dây chuyền, trong đó mỗi công nhân chỉ chuyên làm một công đoạn, do vậy họ khó có thể học cho mình một cái nghề đúng nghĩa. Khi công ty cắt giảm hoặc hết hợp đồng, ít ai trong số họ tìm được một ngành nghề hoặc công việc mới tốt hơn.
Xóm trọ chật hẹp và ẩm thấp.
Khó lấy chồng
7 giờ sáng tiếng chuông báo hết ca làm việc đêm réo vang khắp KCN Bắc Thăng Long. Các nữ công nhân uể oải bước ra khỏi cổng với vẻ mặt bơ phờ, đôi mắt thâm quầng sau ca đêm làm việc không ngủ. Rời KCN bề thế, các nữ công nhân lại quay về các khu nhà trọ lụp xụp.
Nghe Diệp (25 tuổi, quê ở Phú Thọ) kể về hoàn cảnh gia đình mình, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Năm Diệp mới 10 tuổi bố lâm bệnh nặng qua đời, bỏ lại 3 mẹ con. Mẹ của Diệp sức khỏe yếu nên không làm lụng được gì nhiều, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi nhận tấm bằng trung học, Diệp vội vàng khăn gói xuống Hà Nội kiếm việc để có tiền đỡ đần mẹ. Trải qua nhiều công việc khác nhau, rồi thì Diệp đã tìm đến KCN Bắc Thăng Long làm công nhân.
Diệp kể rằng, hầu như mỗi ngày, Diệp và các công nhân khác phải làm đến 12 tiếng, kể cả tăng ca. Mệt nhoài sau giờ làm việc, họ về nhà nấu nướng, ăn uống xong lăn ra ngủ lấy lại sức. Cuộc sống triền miên những ngày như vậy, cứ lặp đi lặp lại. Vì vậy, đã 5 năm trôi qua ở KCN Bắc Thăng Long Diệp vẫn lẻ loi, đơn chiếc và đứng trước nguy cơ ế chồng. Diệp bảo, mới đầu xuống làm công nhân, nhớ nhà, nhớ các em nên cứ cuối tháng lại nhảy xe về quê. Nhưng rồi mẹ cứ giục lấy chồng nên Diệp về thưa dần, vì không có người yêu cùng về. Dần dà, Diệp mắc bệnh “sợ về quê”.
Ở dãy trọ của Diệp dưới chân cầu Thăng Long, có 8 phòng với 40 nữ công nhân và tuyệt nhiên không có bóng dáng người con trai nào. Hầu hết các nữ công nhân ở đây chưa có chồng hoặc người yêu nên từ lâu xóm trọ này đã bị gọi là “xóm ế chồng”. Chỉ duy mỗi Hoa là có người yêu, lúc nào cũng vui tươi hơn các bạn mình. Mỗi khi người yêu của Hoa đến chơi, thì cả xóm vui mừng.
Nói về chuyện vì sao nhiều nữ công nhân khó kiếm người yêu, nữ công nhân tên là Liên thở dài: “Làm cái nghề lắp ráp linh kiện trong KCN chủ yếu là công nhân nữ, nam rất ít, nên chúng em khó có người yêu lắm. Vả lại ở đây kiếm được người tử tế đâu phải dễ, nếu ai khó tính một chút thì chuyện ế xưng là bình thường. Nhiều người ở nơi khác đến cũng chỉ tán tỉnh vơ vẩn, qua đường nên chúng em đành phải rất cẩn thận”.
Chen nhau rút tiền mỗi khi đến ngày lĩnh lương.
Vòng luẩn quẩn và những câu chuyện buồn
Cuộc sống của nữ công nhân KCN bó gọn trong xưởng máy và trong nhà trọ, rất thiếu thốn tình cảm. Bên cạnh những cô gái “cẩn trọng” như Liên kể thì cũng không ít nữ công nhân chấp nhận cuộc tình “ong bướm” để vơi bớt nỗi buồn và sự tẻ nhạt. Từ đó đã nảy sinh ra những bi kịch trớ trêu.
Trên địa bàn KCN Bắc Thăng Long, các dãy nhà trọ cho công nhân thuê mọc lên nhan nhản. “Chủ nhà trọ nào cấm công nhân dẫn bạn trai về phòng thì sẽ bị tẩy chay”- Liên nói. Để có khách trọ, chủ nhà đã làm ngơ và mặc cho các đôi “vợ chồng hờ” gặp gỡ. Việc nữ công nhân dẫn bạn trai về phòng sống thử đáng tiếc đã không còn là chuyện cá biệt.
Phượng, năm nay 22 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) mới đây đã bị mất việc vì mang bầu. Phượng là một nữ công nhân rất chăm chỉ làm việc. Thời gian đầu, cô tích cóp được một ít tiền gửi về quê cho bố mẹ. Nhưng từ khi Phượng yêu Tiến (công nhân cùng KCN), Phượng đã dọn về sống chung tại căn phòng nhỏ gần thôn Bầu. Hai người ăn ở với nhau được thời gian thì Phượng mang bầu. Lúc này, thay tính đổi nết, Tiến quay ra đổ đốn, suốt ngày rượu chè thậm chí đánh đập Phượng.
Rồi một ngày, Tiến ôm đồ chuyển ra ngoài theo “người tình” khác, bỏ Phượng và cái thai đang lớn dần. Khi phát hiện Phượng mang bầu, công ty nơi Phượng đang làm việc đã chấm dứt hợp đồng và cho Phượng nghỉ việc vì lý do không đảm bảo sức khỏe và không chấp hành kỷ luật lao động. Bụng to, cầm đơn đi xin việc nhưng không nơi nào nhận. Thế là Phượng đành ôm bụng về quê.
My (23 tuổi, quê ở Hòa Bình) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Vì thiếu thốn tình cảm nên cô đã yêu một cách vội vã, để rồi khi cô mang bầu thì gã chồng hờ đã bỏ chạy mất tăm. My gầy rạc cả người, hay đi làm muộn và xin nghỉ. Vậy là, công ty gọi lên bắt nghỉ việc. Thế là thất nghiệp. Không biết tính sao, My đành bán trà đá kiếm sống qua ngày và chờ sinh con.
Buồn hơn là chuyện của Hương, quê Thanh Hoá, bị đánh ghen bị thương nặng đến nỗi phải nhập viện.
Tại KCN này, cùng với những dãy nhà trọ lụp xụp lại là hàng loạt nhà nghỉ. Sau giờ tan ca, không ít đôi đã đưa nhau đến chốn “hò hẹn”, thậm chí có đôi còn mặc nguyên bộ đồ công nhân đi vào nhà nghỉ. Hàng ngày bên trong KCN bề thế này, những nhà máy vẫn hối hả sản xuất hàng hóa. Nhưng bên cạnh sự phồn thịnh đó là những mảnh đời nhọc nhằn, vất vả mấy ai đã biết, đã cảm thông.