Như thành thông lệ, cứ trước và sau ngày giỗ Tổ Đền Hùng và Quốc khánh 2/9, trời rất hay đổ mưa. Tại sao vào những ngày lễ quan trọng của đất nước, trời lại mưa?
Đến hẹn lại mưaNgười dân sống quanh khu vực Đền Hùng ai cũng biết về mưa rửa đền. "Mưa rửa đền" là để chỉ những trận mưa diễn ra trước và sau ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch). Trước ngày giỗ Tổ vài ngày thường có trận mưa, được coi là rửa sạch bụi bặm, đón con cháu về viếng Tổ. Sau giỗ Tổ, thường là từ trưa đến chiều tối ngày 10/3 Âm lịch hay có trận mưa rào lớn, dân gian coi trận mưa này để rửa sạch bụi trần do sự ồn ào của lễ hội, trả lại vẻ thanh kiết, linh thiêng cho Đền.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, thông thường cứ vào khoảng ngày 7/3, 8/3, 9/3 và các ngày 11/3, 12/3 và 13/3 (âm lịch) trời rất hay đổ mưa. Mưa trước và sau lễ hội có năm to, năm nhỏ, nhưng ít khi nào không mưa.
Các cơn mưa này thường có chung một đặc điểm là mưa rào, diễn ra rất nhanh, sau đó tạnh ngay chứ không kéo dài mấy ngày liền như mưa phùn.

Việc mưa vào những ngày lễ lớn người dân coi là việc thiêng liêng, các nhà khoa học thì giải thích, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
85% mưa trong ngày 2/9
Chỉ cần vào Google tìm kiếm từ khóa "thời tiết ngày 2/9" thì hầu hết đều cho ra các số liệu như miền Bắc thời tiết xấu vào ngày 2/9, miền Bắc đón mưa vào dịp 2/9... Đi hỏi những người nhiều tuổi sống ở Hà Nội thì sẽ được nghe rằng, dù trước ngày 2/9 trời có oi bức, nắng nóng gây khó chịu đến mấy thì đến ngày 2/9, thời tiết sẽ mát mẻ và mưa, đôi khi là mưa rất to, nhưng có năm chỉ là cơn mưa rào nhẹ, lắc rắc vài hạt vào sáng ngày Quốc khánh. Nhiều người liên tưởng những trận mưa này với ngày mất của bác Hồ, như trong câu thơ của Tố Hữu: "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa".
Để phục vụ dự báo thời tiết dịp Quốc khánh với rất nhiều các hoạt động ngoài trời, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cũng đã có nghiên cứu về mưa trong ngày 2/9. Theo thống kê 30 ngày 2/9 (từ năm 1975 - 2004) cho thấy, có đến 26 ngày 2/9 là có mưa (có thể là mưa to, mưa vừa hoặc chỉ lắc rắc mưa rào nhẹ) trong khi đó chỉ có 4 ngày là không mưa. Nói cách khác, xác suất có mưa trong ngày 2/9 là 85% và không mưa chỉ là 15%. Như vậy, khả năng mưa vào ngày Quốc khánh là rất lớn theo quy luật thống kê khí hậu.

Trùng hợp ngẫu nhiên
Theo ông Lê Thanh Hải, dưới góc độ của người làm khí tượng, khí hậu thì việc mưa vào ngày giỗ Tổ và ngày Quốc khánh 2/9 chỉ là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên vào thời kỳ dông và mưa nhiều. Không có chứng cứ khoa học nào cho thấy việc mưa trong 2 ngày lễ lớn của đất nước có liên quan đến yếu tố tâm linh hay huyền bí.
Thông thường ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch đều rơi vào tháng 4 dương lịch. Đối với miền Bắc, tháng 4 là tháng còn mưa nhiều, số ngày có mưa rào và dông trung bình tại Việt Trì lên đến 14 - 15 ngày (xác suất có mưa lên đến 50%). Như vậy, trong 6 ngày (3 ngày trước và 3 ngày sau lễ) kiểu gì cũng phải có 1 - 2 ngày có mưa. Nếu để ý kỹ sẽ thấy, mưa rửa đền không nói cụ thể rơi đúng vào ngày nào mà chỉ cần rơi vào 1 trong 3 ngày trước và 1 trong 3 ngày sau đều được coi là đúng. Vì thế, mưa rửa đền có thể rơi vào ngày 7/3, 8/3 hoặc 9/3; tương tự có thể rơi vào ngày 11/3 hoặc 12/3, 13/3 (âm lịch). Với xác suất 50%, mà chỉ cần 33%, kiểu gì cũng đúng.
Một điểm nữa, các trận mưa trong dịp này chủ yếu đều là mưa rào hoặc dông của mùa xuân mưa xong tạnh ngay. Đây cũng là lý do vì sao mưa rửa đền thường diễn ra ngắn. Hơn thế, trong một số năm mưa cũng xảy ra vào chính ngày giỗ Tổ chứ không phải đợi đến sau lễ hội mới có mưa vì khả năng mưa vào ngày Quốc giỗ cũng đến 50%.

Ngày Quốc khánh 2/9 cũng vậy. Ở Bắc Bộ, tháng 9 vẫn là tháng của mùa mưa. Theo thống kê, mưa tháng 9 ít hơn mưa trong tháng 8 (tháng 8 là tháng chính của mùa mưa ở Bắc Bộ), nhưng nhiều hơn mưa trong tháng 10 vì thế xác suất mưa vào ngày 2/9 là cao. Ngoài ra, ngày 2/9 lại gần với tháng 8 vì thế khả năng mưa trong ngày này cao hơn các ngày khác trong tháng 9.
Một yếu tố nữa là tháng 9 và tháng 10 là tháng chính của mùa bão vì thế, mưa và bão cũng khá thường xuyên xảy ra. Tất cả những lý do này đã cho thấy xác suất mưa vào ngày 2/9 là rất cao, vì thế mưa rơi vào ngày 2/9 cũng là điều dễ hiểu, không có gì là huyền bí.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, mưa trong ngày 2/9 không phải là tuyệt đối. Thực tế có 4/30 ngày 2/9 trời không mưa mà nắng rất to. Hơn thế, mưa trong ngày 2/9 chủ yếu cũng chỉ diễn ra ở miền Bắc, đặc biệt là đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hà Nội. Trung Bộ và Nam Bộ ví dụ như Huế, Đà Nẵng, TPHCM, ngày 2/9 cũng có mưa nhưng xác suất không cao, chỉ khoảng 50%. Điều này đã minh chứng rõ ràng không có sự liên hệ nào tới yếu tố tâm linh. Đây chỉ đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên, trùng hợp với xác xuất cao, giữa loại hình thời tiết và những ngày trọng đại của đất nước.
TS Phạm Đức Thi, Trung tâm Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường cho biết, khí hậu tuy có sự thay đổi, nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu gia tăng, song thời tiết cũng có tính chu kỳ, tính lặp lại và tính xác suất cao - thấp... do vậy, vào thời điểm đó (có thể lệch đi một chút) nắng hay mưa, dông lốc hay mưa đá... của từng thời kỳ, từng khu vực, năm này sẽ được lặp lại sang năm khác theo mùa, giống như mùa nào, thức nấy; thời kỳ nào, thời tiết nấy...
Các chuyên gia cho rằng, sự trùng hợp ngẫu nhiên này cũng đem lại nhiều sự thú vị để cứ vào dịp giỗ Tổ Đền Hùng hay ngày Quốc khánh 2/9, chúng ta lại có dịp chiêm nghiệm lại các quy luật thời tiết được ông bà mình truyền lại, xem quy luật này còn đúng nữa không.
Ảnh tuyệt đẹp về di tích Đền Hùng từ không trung








Từ độ cao hơn 500m so với mực nước biển có thể quan sát trọn vẹn cả ba đền Thượng, Trung, Hạ của Đền Hùng.

Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân đến đỉnh ngọn núi Hùng (hay còn gọi là Nghĩa Lĩnh), cao 175 m, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

Núi Hùng hình đầu rồng hướng về phía Nam, mình uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau. Khu di tích Đền Hùng có tổng cộng 4 đền, một chùa và lăng vua Hùng gồm: Đền Thượng và lăng trên đỉnh, các Đền Trung, Đền Hạ và Đền Giếng nằm trên sườn núi.

Kiến trúc hiện tại được xây dựng từ thời Hậu Lê và Nguyễn. Bản ngọc phả sao năm Hoằng Định thứ nhất (1600) nói trên núi Hùng có Đền Thượng, mộ vua Hùng thứ 6, hai cột đá thề của Phục Phán, Đền Trung, Đền Hạ và chùa.

Ngày 8/2/1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục. Trong ảnh là khu vực Đền Mẫu Âu Cơ, xây dựng vào năm 2001, khánh thành tháng 12/2004 trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).

Nơi đây thờ 18 đời vua Hùng và 3 vị thần núi: "Hùng đồ thập bát thế Thánh Vương thánh vị". Tương truyền, vua Hùng đi khắp trong nước, cuối cùng mới chọn được vùng sơn thủy hữu tình này làm đất đóng đô.

Từ trên cao có thể quan sát, xa xa phía Tây của Đền Hùng là dòng sông Thao nước đỏ, phía Đông dòng sông Lô nước xanh như hai dải lụa làm ranh giới của cố đô xưa.

Đặc biệt không khí trên núi rất thông thoáng, mát dịu và quanh năm thoang thoảng hương thơm.

Vào mỗi dịp 10/3 âm lịch hàng năm, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Đền Hùng đón hàng triệu du khách từ mọi miền đổ về hành hương tưởng nhớ các đời vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962.
