Tối 17/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết Tổng lãnh sự quán Anh tại TP HCM đã thông báo kết quả xét nghiệm lại với bệnh nhân người Anh - người từng nhận kết quả dương tính từ TP HCM sau khi rời Việt Nam.
Theo đó, mẫu bệnh phẩm (dịch ngoáy họng) của bệnh nhân được bác sĩ tại Anh đưa đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Vị du khách Anh là hành khách trên chuyến bay VN0054 từ Luân Đôn sang Hà Nội, hạ cánh sân bay Nội Bài lúc rạng sáng 2/3, được ghi nhận nhiễm COVID-19 ngày 8/3. Trên chuyến bay này có nhiều hành khách nhiễm COVID-19, trong đó có bệnh nhân 17, bệnh nhân 21 (người Hà Nội). Các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trên chuyến bay này đã được chữa khỏi, một số đã về nước.
BS Trương Hữu Khanh
Với bệnh nhân 22, sau ba tuần điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, đến ngày 27/3, sau 3 liên tiếp nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2, ông được xuất viện cùng một bệnh nhân khác, cũng đồng hương quốc tịch Anh.
Hai người tiếp tục được cách ly 14 ngày tại khách sạn ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ngày 10/4 họ từ Đà Nẵng tới Tân Sơn Nhất (TP HCM), được lấy mẫu sàng lọc.
Qua lấy mẫu test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện dương tính và tiếp tục chuyển thêm mẫu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM để làm xét nghiệm khẳng định. Đến tối 12/4, kết quả khẳng định người này dương tính. Tuy nhiên, trước đó một ngày bệnh nhân đã xuất cảnh trở về Anh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho hay nguyên tắc xét nghiệm khi phết họng sẽ tìm lượng virus nằm tồn tại trong vùng phết. Kết quả cũng tùy thuộc test nhạy cỡ nào. Một số test chỉ cần 30 con là thấy rồi nhưng một số test phải 100- 250 con mới thấy. Ông nhận định có thể test Đà Nẵng khác với TP HCM.
Bệnh nhân lấy mẫu bệnh phẩm tại TPHCM vào ngày 11/4 và sau đó lấy mẫu tại Anh ngày 14/4. Do đó, BS. Khanh cho rằng, có khả năng khi về tới Anh, lượng virus của bệnh nhân số 22 phát tán ra quá ít nên test tìm không ra. "Khả năng rất nhỏ là lượng virus rất ít rồi hết luôn", BS. Khanh nói.
BS. Khanh phân tích thêm, thông tin từ bệnh nhân 22 cho thấy, đây là tín hiệu mừng. Bởi khi bệnh nhân mang hàm lượng virus thấp, không có triệu chứng bệnh lại đeo khẩu trang thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng là rất thấp.
Trước đó, khi có thông tin bệnh nhân này tái dương tính, BS Khanh nhận định khi cơ thể vừa hết bệnh, có một số người virus chuyển thành cộng sinh, có nghĩa là lượng kháng thể không dẹp hết virus và con virus cũng tiếp tục nhân lại nhưng nó không gây bệnh cho người đó và có thể phát tán virus ra môi trường bên ngoài. Chứ không phải dương rồi lại âm rồi tái nhiễm, bệnh nhân khi đó chuyển qua nhóm "người lành mang trùng".
Trong cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân nặng gần đây nhất, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh với những người đã được công bố khỏi bệnh, các bệnh nhân ra viện về cộng đồng phải tuân thủ cách ly sau điều trị. Các bệnh viện tiếp tục theo sát và giao CDC các địa phương theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại Labo tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định.