Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mâm cỗ chuẩn và 2 điều cấm kỵ khi cúng ông Công ông Táo

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Chuẩn bị mâm cơm tiễn ông Táo về trời là nét văn hóa lâu đời. Khi cúng ông Công, ông Táo, các gia đình tuyệt đối tránh 2 sai lầm dưới đây.

Theo quan niệm dân gian, đúng vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là khoảng thời gian Táo Quân lên chầu trời và báo cáo tất cả việc làm tốt lẫn chưa tốt của con người trong một năm qua để Thiên Đình luận công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.

Vì thế mà theo tục lệ cổ truyền, người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo, chuẩn bị mâm cỗ tiễn đưa ông Táo rất chu đáo với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng. 

Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả... Đặc biệt, các gia đình luôn chuẩn bị 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã).

Mâm cỗ chuẩn và 2 điều cấm kỵ khi cúng ông Công ông Táo - 1
Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình (Ảnh minh họa: ITN).

Khi thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình tuyệt đối tránh 2 điều dưới đây.

Cấm kỵ 1: Ném cá chép từ trên cao xuống, và ném cả túi bóng xuống ao, hồ gây ô nhiễm

Sau lễ cúng ông Công, ông Táo, nhiều gia đình sẽ phóng sinh cá chép ở ao hồ, sông suối. 

Khi thả, chúng ta nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Nếu không mọi người có thể đặt cá vào lòng bàn tay rồi từ từ thả cá xuống nước. Thả cá chép cần được mọi người thực hiện một cách thành tâm.

Người dân tuyệt đối không đứng từ trên cao ném cá xuống phía dưới. Thêm nữa, không nên phóng sinh cá ở những nơi nguồn nước bị ô nhiễm vì cá sẽ khó có cơ hội sống sót. 

Đặc biệt, nhiều người không có ý thức, ném cả túi bóng xuống sông ngòi, ao, hồ gây ô nhiễm, vì thế người dân cần tuyệt đối không được ném cả túi bóng xuống sông, hồ để giữ cảnh quan môi trường.

Cấm kỵ 2: Cúng ông Công, ông Táo sau 12h trưa tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian, sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp cổng trời sẽ đóng và ông Táo không kịp lên thiên đình để báo cáo. Do vậy, việc cúng ông Công, ông Táo cần được thực hiện trước thời điểm đó.

Các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

Mâm cỗ chuẩn và 2 điều cấm kỵ khi cúng ông Công ông Táo - 2
Khi phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời, bạn không nên thả túi bóng xuống ao, hồ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa: ITN).

Mâm cỗ cần có để cúng tiễn ông Công ông Táo về trời

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút. Ngoài mâm cỗ cúng, người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung hay cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Trong nhịp sống hiện đại, mâm cỗ có thể tùy điều kiện kinh tế từng gia đình để làm, có thể đơn sơ vài ba món, có thể đúng nghi thức, tùy điều kiện gia đình. Sau đây là 2 gợi ý mâm cỗ thông dụng nhất mà dân gian thường lựa chọn:

Mâm cỗ với 10 món bao gồm:

Gà luộc; Nem rán; Xôi gấc hình cá chép; Giò lụa; Dưa hành - dưa rau củ muối; Canh rau củ; Tôm xào thập cẩm; Bánh chưng; Rau củ luộc Tai heo cuộn luộc.

Bên cạnh lễ vật, hoa quả thì mâm cỗ này gồm các món truyền thống cũng rất được ưa chuộng bởi vì độ ngon cũng như công thức nấu quen thuộc. 

Một điểm nhấn khác đó chính là món “bắp cải cuộn thịt hầm” vừa đẹp vừa hiện đại.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ, chi tiết

Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo đầy đủ, chi tiết cho gia đình nào cầu kỳ và có thời gian, sẽ bao gồm:

1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng; 1 con cá chép sống; 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.

Theo tục xưa, đối với những gia đình có trẻ nhỏ, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà này phải là loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện và gia cảnh, mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo phù hợp. Khi cúng, nhiều gia đình cầu ký, còn phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề để cả nhà quanh năm no ấm. Có nơi lưu giữ phong tục vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ.

Tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà do tính chất công việc, thời đại ngày nay, rất nhiều gia đình lựa chọn cúng ông Táo sớm, từ ngày 16 âm lịch đến trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Táo về trời.

Tin liên quan