Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Màn offer "lắt léo", Shark DZung Nguyễn rót vốn 500.000 USD kèm điều kiện thay Founder

Shark DZung Nguyễn đưa ra lời đề nghị khá lắt léo khi rót 500 nghìn USD cho 25% cổ phần dự án y tế eDoctor, kèm điều kiện Founder team phải thay đổi.

Startup y tế nhận đầu tư 700.000 USD

Màn gọi vốn gây chú ý trong tập 10, Shark Tank mùa 3 (hôm 25/9) là của cặp đôi nhà sáng lập Vũ Thanh Long – Huỳnh Phước Thọ của eDoctor.

Sản phẩm khởi đầu bằng cách kết hợp với các điều dưỡng, các trung tâm xét nghiệm để cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại nhà, nhận kết quả qua hệ thống online của eDoctor. Người dùng có thể trao đổi online để nhận sự tham vấn của bác sĩ chuyên môn về vấn đề sức khỏe.

Đến thời điểm hiện tại, eDoctor đã phục vụ cho 70 nghìn lượt khám. Hệ thống hiện có 500 điều dưỡng, 400 bác sĩ, 80 phòng khám và bệnh viện trên cả nước.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của eDoctor rơi vào khoảng 10 tỷ, lợi nhuận biên 30%. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang lỗ 4 tỷ vì chi phí cho Marketing chiếm đến 25 - 28% doanh thu. Kêu gọi 500 nghìn USD cho 10% cổ phần, eDoctor mong muốn có ngay nguồn vốn để tăng quy mô nhanh hơn.

Màn offer lắt léo, Shark DZung Nguyễn rót vốn 500.000 USD kèm điều kiện thay Founder - Ảnh 1.

nhà đầu tư rót vốn vì nhìn thấy tiềm năng thị trường rộng mở trong tương lai

Với vai trò người đã từng trải nghiệm sản phẩm của eDoctor, Shark Dzung Nguyễn đánh giá sản phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót. Và khả năng điều hành của CEO hiện tại chưa đủ quyết liệt để giúp doanh nghiệp có định hướng tốt hơn.

"Cá mập công nghệ" đưa ra lời đề nghị khá lắt léo khi rót 500 nghìn USD cho 25% cổ phần kèm điều kiện Founder team phải thay đổi, nhà đầu tư sẽ là người đưa ra định hướng và có quyền biểu quyết.

Sở hữu hệ sinh thái công nghệ điện tử hóa NextTech và Bệnh viện tổ hợp Phương Đông, hai Shark Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Thanh Việt tuyên bố bỏ ra 100 nghìn USD/người để đồng hành. Shark Dzung Nguyễn kèm điều kiện Vũ Thanh Long, Huỳnh Phước Thọ và đội ngũ công nghệ phải sát cánh cùng nhau ít nhất 10 năm nữa để xây dựng eDoctor.

Nhận đề nghị mất số cổ phần gấp đôi so với ban đầu, hai nhà sáng lập eDoctor tỏ ra khá dè dặt. 

Tuy nhiên, trước sự dồn ép của "cá mập" kèm cam kết hỗ trợ để xây dựng eDoctor trở thành một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ y tế, Vũ Thanh Long và Huỳnh Phước Thọ đã gật đầu nhận đầu tư 700 nghìn USD cho 21,8% cổ phần từ ba Shark Dũng, Bình và Việt.

Kỹ sư công nghệ hồi hương khởi nghiệp gọi thành công 60 nghìn USD tại Shark Tank

Là kỹ sư phần mềm với 10 năm kinh nghiệm tại Silicon Valley, Nguyễn Bá Cảnh Sơn về Việt Nam khởi nghiệp với dự án nghiên cứu và sản xuất xe máy điện Datbike. Co-Founder Datbike đến Shark Tank với mong muốn kêu gọi 50 nghìn USD cho 0,5% cổ phần doanh nghiệp.

Co- Founder Datbike cho hay, các bộ phận của xe máy điện Datbike được sản xuất tại Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc và Hồng Kông với giá bán là 59.900 triệu đồng/xe, công suất động cơ 4500 KW đi được tốc độ tối đa 80 km/h, sản xuất tại nhà máy lắp ráp tại Đà Nẵng có công suất 1000 xe/tháng.

"Với quy mô sản xuất bọn em vẫn chưa có lãi nhưng nếu lên 1000 chiếc, giá xe sẽ là 39.9000 đồng, lãi suất là 30%" – Cảnh Sơn trình bày.

Mặc dù hướng startup xe điện được các nhà đầu tư đánh giá là đi theo đúng xu hướng, tuy nhiên, việc công ty chưa có lãi, giá xe quá cao và định giá cao "ngất ngưởng" chưa thuyết phục được các Shark.

"Xu thế sẽ là xe điện vì nó tốt cho môi trường và nhu cầu cũng có sẵn rồi. Nhưng đâu là lý do để người ta mua xe của em? Giống như ở Mỹ, tại sao người ta vẫn mua xe Tesla thay vì xe xăng khác?", Shark Dũng đặt câu hỏi.

Màn offer lắt léo, Shark DZung Nguyễn rót vốn 500.000 USD kèm điều kiện thay Founder - Ảnh 2.

Kỹ sư phần mềm khởi nghiệp sản xuất xe máy điện Datbike gọi vốn tại SharkTank.

Trước câu hỏi của các nhà đầu tư, Cảnh Sơn dẫn chứng hai thương hiệu đang sản xuất xe điện điển hình trên thế giới của Trung Quốc và Đài Loan. Hai công ty này khi mới có đội ngũ chưa ra sản phẩm đầu tiên thì mỗi công ty đã được định giá trên 50 triệu USD, hiện cả hai có giá trị trên tỷ USD.

Nhấn mạnh việc gọi vốn thành công sẽ giúp giá thành sản phẩm dễ tiếp cận hơn với khách hàng, Cảnh Sơn thuyết phục các Shark về những tính năng xe điện Datbike như sạc 3 tiếng đi được quãng đường 100km, công suất xe ngang bằng xe máy chạy xăng. Số tiền sạc pin là 5.000 đồng/100km, rẻ gấp 10 lần nguyên liệu của xe máy xăng.

Mặc dù startup đưa khá nhiều thông tin khả quan về dự án, song Shark Đỗ Liên "không khuyến khích sản xuất thêm xe máy ở Việt Nam", hơn nữa, đây cũng không phải lĩnh vực mà Shark có thế mạnh về sản xuất, vì thế, đã từ chốt rót vốn cho Datbike.

Shark Dzung Nguyễn và Shark Nguyễn Thanh Việt cũng nối gót khi chưa cảm thấy tin tưởng về chất lượng sản phẩm của Datbike.

Đứng trước cơ hội mong manh, đối mặt duy nhất với chỉ một nhà đầu tư, Cảnh Sơn đã bật mí đội ngũ của mình có thành viên nằm trong nhóm tác giả của Snapchat để thuyết phục.

Chia sẻ đã tìm được hướng hỗ trợ startup nhưng vẫn lăn tăn về mức định giá Cảnh Sơn đưa ra là quá chênh lệch, Shark Hưng đề nghị rót vốn 50 nghìn USD để được sở hữu 10% cổ phần. Tuy nhiên, Co-Founder Datbike mạnh dạn deal lại 50 nghìn USD chỉ cho 1% cổ phần với lý do khó cho startup kêu gọi vốn lần sau.

Cuộc kì kèo giá cả chỉ dừng lại khi startup và nhà đầu tư gặp nhau ở ngưỡng 60 nghìn USD cho 2% cổ phần, trong đó 1% là phí advisory.

Mắc sai lầm định giá quá cao, nữ CEO làm nông nghiệp ra về tay trắng

Thương vụ cuối cùng thuộc về Trương Thị Hồng Giang – Co-founder công ty cổ phần phân bón Nhất Nông. 

Từ bỏ công việc giảng dạy để theo đuổi dự án phân bón hữu cơ, tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm, phế thả trong nông nghiệp, Hồng Giang kêu gọi 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần với kế hoạch đầu tư 3 tỷ đồng để xây nhà xưởng, 1 tỷ làm vốn lưu động và còn lại là củng cố hệ thống công ty. Hồng Giang cũng định giá công ty ở mức sấp xỉ 50 tỷ đồng.

"Nếu Shark đầu tư, tôi đảm bảo 2 tháng sau sẽ đưa sản phẩm ra thị trường với doanh số vài trăm tấn. Từ đây đến cuối năm 2019 là 300 tấn, thu về 1,2 tỷ đồng" – nữ CEO cam kết.

Shark Dzung Nguyễn phân tích, có một vấn đề chung của rất nhiều startup hiện nay là nghĩ rằng mình đầu tư công sức vào, bỏ tiền vào nhiều rồi cho nên giá trị công ty buộc phải cao, nhưng không phải vậy.

Dự án sản phẩm phân bón hữu cơ của startup chưa có doanh số, khả năng mở rộng thị trường không có, tất cả đều là giả định mà định giá một mức này. Nếu ở góc độ nhà đầu tư sẽ khó để tìm một đối tác.

"Số tiền gọi đầu tư là gọi cho những gì mình đang có và khi công ty đạt tiềm năng gì đó thì mới đi gọi một con số to hơn và giá trị cao hơn. Đầu tư vào tiềm năng trong tương lai chứ không phải những gì bạn đã tiêu trong quá khứ", Shark Dzung Nguyễn nói.

Đây cũng là lý do khiến các Shark còn lại "lắc đầu" với dự án phân bón hũu cơ của Hồng Giang.