1. Đi tập thể dục buổi sáng, bà hàng xóm thủ thỉ khuyên bà An: “Chuyện cháu chắt học hành thế nào thì cứ để vợ chồng nó lo, bà quản làm gì để con dâu bức xúc, lại ảnh hưởng đến tình cảm mẹ chồng - nàng dâu”. Bà An mắt chữ A mồm chữ O: “Chuyện nhà tôi sao bà lại biết”. “Tối qua, con gái tôi nó lên “phây” (FB) thấy con dâu bà than vãn chuyện học hành của con trai bị mẹ chồng áp đặt vô lý, không để cho nó tự do lựa chọn trường học cho con. Bà còn ra điều kiện nếu không nghe theo thì đừng có nhờ vả bà trông con cho nữa đúng không?”. Bà An nóng bừng ở mặt chưa kịp thanh minh thì bà hàng xóm lại tiếp lời:
- Tôi bảo con gái đọc xem các nàng dâu bàn tán chuyện này thế nào. Hóa ra, chúng nó bây giờ làm mẹ, làm dâu quan điểm hiện đại lắm. Cô nào cũng chê bà độc đoán, lấn quyền, gây khổ cho con cháu đấy. “Chúng nó” còn xui nhau cách đối phó với bà để giành lấy quyền tự quyết những vấn đề liên quan đến con cái. Thôi bà ạ, mình lo cho con là được rồi, đến đoạn cháu để chúng nó lo, không lại mang tiếng là mẹ chồng ác…”.
Bà An bước nhanh về nhà. Lâu nay, bà luôn “tề gia” theo cách chuyện nhà sai đúng gì cũng phải “đóng cửa bảo nhau”. Cớ sao nó lại bày ra cho thiên hạ thấy rồi còn lấy ý kiến tập thể về chuyện nhà mình. Nó chẳng những làm bà mất mặt mà còn khiến danh dự gia đình mà bà gìn giữ lâu nay đổ sụp. Về đến nhà, bà gọi con gái bà hàng xóm sang nhờ nó mở “phây” con dâu ra đọc.
Càng đọc, bà càng choáng váng, nó mang hết chuyện nhà lên trên đó kể, rồi không biết bao người bàn tán như cái chợ. Nó nhận được bao nhiêu sự cảm thông thì bà lại biến thành bà mẹ chồng chẳng hiểu chuyện, chuyên quyền, độc đoán. Thậm chí có đứa còn xui nó tìm cách sống riêng cho thoải mái.
Cơn giận trào lên, bà bấm máy gọi cho con trai bắt nó phải “dạy vợ” đến nơi đến chốn. Ngày hôm đó, cô con dâu đang đi công tác cũng phải hộc tốc về nhà để “giải trình”. Sự việc chấm dứt tại cuộc họp gia đình nhưng hậu quả vẫn chưa dừng lại. Thỉnh thoảng gặp bạn bè cũ đâu đó, bà lại nghe mọi người hỏi han chuyện nhà. Hóa ra cái “phây” của con dâu bà có độ lan truyền khủng khiếp.
Ảnh minh hoạ
2. Đang họp, anh nhận được tin của ông bạn rượu: “Đêm qua làm gì mà vợ cho ngủ ngoài cửa thế hở, lại tìm “gà móng đỏ” ở đâu à? Nhìn cái cảnh bị vợ cho ngủ co ro ở phòng khách sao nhục thế”. “Sao ông biết?”. “Ối giời, cả bàn dân thiên hạ đều biết, ông lên “phây” mà xem”.
Anh vội vàng vào “phây” rồi tái mặt trước hình ảnh mình đang nằm chòng queo ở sofa ngủ với dòng chú thích của vợ: “Hình phạt cho việc trốn vợ đi “chơi hư” bên ngoài”. Hình ảnh mới đăng có mấy phút mà có tới hơn trăm lượt like và bình luận. Mọi người tha hồ bán tán, đồn đoán chuyện “chơi hư” của anh. Đến giờ nghỉ trưa, vừa ra khỏi phòng làm việc, anh đã gặp những lời đùa cợt của đồng nghiệp.
Tại nhà ăn hôm đó, chuyện anh đêm qua bị vợ phạt trở thành câu chuyện phiếm mua vui. Giận dữ với trò lố của vợ, anh gọi điện bắt cô “dẹp ngay trò bôi xấu chồng”. Bấy giờ cô vợ mới nhận ra độ nguy hại của trò đùa nên vội vàng xóa hình ảnh đã đăng. Tuy nhiên, cô chỉ có thể xóa được hình ảnh hiện hữu trên “phây” chứ không thể xóa được câu chuyện “chồng hư” mà mình đăng lên trước đó.
3. Người vợ đó nói với tôi chị nhất định phải bỏ chồng bởi không thể chịu được việc chồng lúc nào cũng mang chuyện nhà lên “phây” để xin ý kiến tham khảo cách giải quyết. Nguy hại ở chỗ, lúc nào anh chồng cũng đóng vai “bị hại” còn vai “người ác” lại đẩy cho vợ. Vậy nên, ngoài việc bình luận cho anh cách giải quyết vấn đề thì cộng đồng “phây” cũng kịch liệt lên án, phê bình chị.
Ví dụ, nếu hôm nay hai vợ chồng cãi nhau về vấn đề con mắc lỗi, thay vì cùng nhau tìm ra cách giải quyết thì anh chồng lại chụp bức ảnh mông thằng bé có vết tím bầm với chú thích: “Con mắc lỗi, có cách nào trừng phạt hiệu quả hơn biện pháp “đòn đau nhớ lâu” mà vợ vẫn thường làm”. Thế là đám bạn “phây” tha hồ vào bình luận, chỉ trích chị ầm ầm. Thậm chí, có mấy tờ báo mạng lá cải lấy chuyện đó làm đề tài để phê phán chuyện nuôi dạy con bằng bạo lực. Cứ thế, thỉnh thoảng chị lại trở thành một cô vợ “hổ cái”, người mẹ phù thủy, cô con dâu vô tâm… trên “phây” của chồng.
Chuyện nhà chị không chỉ cả nước biết đến mà xuyên cả biên giới. Lâu lâu, chị lại nhận được cuộc gọi của người thân ở nước ngoài nhắc nhở “đạo đức lối sống” chỉ vì cái thói thích mang chuyện nhà lên “phây” của anh chồng.
4. Những anh, chị thích mang chuyện nhà lên “phây” để “buôn bán” nói với tôi rằng đó là cũng là cách để họ giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Khi mà trong cuộc sống thực họ không có nơi để chia sẻ thì trên mạng lại nhận được rất nhiều sự thông cảm. Khi quan hệ vợ chồng tạm thời bị “đóng băng”, chỉ cần đưa lên mạng, băng sẽ bị phá ngay lập tức.
Có người bảo rằng, “phây” giờ giống như chuyên gia tâm lý, vấn đề nào khó gỡ cứ đưa lên lập tức nhận lại nhiều lời tư vấn giải quyết nhanh gọn. Nghe qua thì “phây” đang góp phần tích cực “giúp đỡ” không ít người nhưng nhìn kỹ mức độ tàn phá ẩn họa đằng sau đó cũng không ít. Cái kiểu mang chuyện nhà lên “phây” để giải tỏa nhưng thực ra là để châm lửa cho mọi người đốt nhà. Nếu để xin tư vấn thì sẽ gặp cảnh “đẽo cày giữa đường”.
Vậy nên các chủ nhân “phây”, có nên giữ hạnh phúc bằng cách vừa châm lửa đốt, vừa đẽo cày?