Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mâu thuẫn vì nghỉ tránh dịch

Gần ba tháng nay, các con phải nghỉ học phòng dịch Covid-19 nên chồng Nga quyết gửi con về nhà nội. Nga không đồng ý vì không muốn xa con, hơn nữa các con còn phải học trực tuyến, hoàn thành bài tập cô giao. Thế nhưng, Dũng – chồng Nga lại cương quyết đưa các con về quê với lý do ở Hà Nội nguy cơ lây nhiễm cao, mà học thì cả đời, không học năm nay thì sang năm học lại, nhỡ có bị nhiễm bệnh thì khéo chả còn cơ hội học. Trước sự cương quyết của chồng, Nga đành đồng ý nhưng vẫn không yên tâm tẹo nào và trong lòng còn ấm ức lắm. Con về quê, Nga thường xuyên gọi điện nhờ ông bà nhắc cháu vào phần mềm học và làm bài cô giao, ra sân vườn vận động thể dục thể thao, giúp ông bà việc nhà. Thế nhưng, ông bà chỉ ậm ừ cho xong chuyện, chứ thực chất lúc nào Nga gọi zalo hay masenger về cũng thấy các con đang mỗi đứa một cái điện thoại hoặc ipad chơi điện tử, xem phim. Nga lo lắng, phàn nàn với chồng, những mong anh gọi về nhắc khéo ông bà, nào ngờ Dũng lại bảo Nga lắm chuyện. Ở quê, lũ trẻ không xem phim, chơi điện tử thì biết làm gì? Các con an toàn, không ốm đau, nhiễm bệnh là may rồi! Nghe chồng nói vậy, Nga chán chả buồn tranh luận nữa.


Dịch bệnh diễn biến phức tạp, xưởng làm răng sứ của vợ chồng Nga ngày càng ít việc. Khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, Nga đành cho 15 nhân viên nghỉ việc, đóng cửa xưởng. Công việc đình trệ chưa biết đến khi nào mới tiếp tục, Nga và chồng khăn gói về quê, coi như vừa tránh dịch vừa có thời gian chăm các con.

Ảnh minh họa


Về quê với bao nhiêu nỗi lo khiến Nga ăn không ngon, ngủ không yên. Trong khi vợ lo lắng thì Dũng vẫn “ăn ngon, ngủ kỹ” với tâm lý: có lo lắng cũng chả giải quyết được gì, đến đâu hay đến đấy. Đã thế, về quê Dũng còn thích tụ tập anh em, bạn bè ăn uống, nhậu nhẹt. Ngày nào Dũng cũng, khi thì rủ cậu em trai, em rể gần nhà sang uống rượu; khi thì lại rủ mấy ông bạn cũng từ Hà Nội về quê tránh dịch tới làm nồi lẩu cho vui; lúc thì lại mấy ông chú hàng xóm sang uống bia. Một phần nghĩ giãn cách xã hội không nên tụ tập đông người, dễ lây lan dịch bệnh; một phần vì kinh tế đang phải thắt chặt, cứ triệu hơn triệu kém mua đồ ăn mỗi ngày thế này lấy đâu ra, nên Nga không thể vui vẻ mãi. Khi thường xuyên phải chợ búa, bày biện nấu nướng, Nga đã nói chuyện thẳng thắn với Dũng để anh rút kinh nghiệm. Thế nhưng, Dũng không những không hiểu mà còn nói, ở quê đã có trường hợp nào bị Covid-19 đâu mà lo, hơn nữa lại toàn anh em bạn bè thân thiết, ai cũng khỏe mạnh cả. Nga giải thích thêm thì bị Dũng quát nạt, cho rằng Nga bủn xỉn, keo kiệt nên mới thế.


Tuần trước, đùng một cái, Dũng nói Nga đưa 100 triệu để anh mua điều hòa, lắp hệ thống năng lượng mặt trời, sơn lại nhà trên, nhà ngang, sửa khu vệ sinh… cho ông bà. Khi Nga bảo để thư thư cho cô cân đối nguồn tiền, vì còn phải lo trả lãi ngân hàng, hỗ trợ lương nhân viên, trả tiền thuê nhà xưởng mấy tháng nghỉ… thì Dũng quát vợ ầm nhà. Bố mẹ chồng Nga nghe được, ông bà tự ái đùng đùng, nói vợ chồng Nga không cần phải sửa sang gì hết. Bố mẹ dỗi không cho sửa nhà làm Dũng thấy mất mặt quá. Từ hôm đó, động việc gì là anh kiếm cớ chì chiết vợ, nói Nga sống ích kỷ, không chăm lo, kiến thiết nhà chồng mà chỉ bo bo giữ tiền. Bị chồng nói nhiều, Nga cũng cáu điên, cô bảo mình giữ tiền là vì ai, vì gia đình, chồng con, chứ có giữ cho mình đâu. Nga nói chồng vô tâm, trong khi vợ đau đầu lo lắng công việc gián đoạn, khó khăn chồng chất, thì chồng lại chỉ nghĩ cách tiêu, không biết tiết kiệm. Lời qua tiếng lại thành ra vợ chồng cãi nhau to, Dũng còn vung tay định đánh vợ. Cả tuần nay, không khí nhà họ căng như dây đàn, không ai nói với ai câu nào.

Nga mong nhanh hết dịch bệnh để gia đình mình được trở về sinh hoạt đúng quỹ đạo, mọi người lại yêu thương nhau. Ảnh minh họa KT


Đấy là chuyện sinh hoạt, còn chuyện dạy bảo con trẻ cũng là nguyên nhân khiến Nga và bố mẹ chồng bằng mặt không bằng lòng nhau. Các con Nga về quê được ông bà chiều. Chúng thích ăn gì thì ăn, ngủ lúc nào cũng được, thích chơi điện tử bao lâu cũng “ok” nên bắt đầu quên hết quy tắc, giờ giấc sinh hoạt. Khi Nga về và bắt các con học hành, ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục vào quy củ thì cả ông bà lũ trẻ đều khó chịu. Bố chồng Nga ra vào lẩm bẩm, nói con dâu cứ làm quá chuyện học, chứ trẻ con hàng xóm có thấy đứa nào học nhiều thế đâu. Ông nói, nếu Nga bắt các cháu ông học nhiều, chúng nó bị trầm cảm, thần kinh ra thì cứ liệu đấy! Còn mẹ chồng thì hễ Nga phân công con làm việc nhà là y như rằng bà tranh hết, lúc nào bà cũng: Các cháu đi chơi đi, để đấy bà làm hết cho! Lũ trẻ mải chơi chỉ đợi có thế là chạy ùa về phòng, dán mắt vào điện tử, phim ảnh, mặc kệ bà và mẹ dọn dẹp, cơm nước. Nga phân tích cho mẹ chồng hiểu, là các cháu không đến trường nhưng vẫn phải học trực tuyến và đây là thời gian để các con học làm việc nhà, biết san sẻ công việc với ông bà, bố mẹ. Nghe chưa hết bà đã buông câu: Ôi dào, cần gì phải dạy. Ngày xưa, chồng chị có biết làm gì đâu, thế mà lớn lên biết tuốt đó. Chả mấy khi các cháu tôi về, cứ cho chúng nó chơi. Việc nhà, chị không làm thì để tôi làm hết. Nếu Nga cương quyết bắt con phụ việc nhà những lúc không bận học, thế nào mẹ chồng cũng nói dỗi kiểu: Thôi, từ giờ con chị chị dạy, tôi không dám can thiệp!


Càng ngày, Nga càng mệt mỏi vì vừa phải lo nghĩ phục hồi kinh tế sau khi dịch dã qua đi, vừa đang phải sống trong bầu không khí gia đình nặng nề, đầy mâu thuẫn.  Hơn ai hết, Nga mong dịch bệnh qua mau để gia đình mình được trở về sinh hoạt đúng quỹ đạo, chứ cứ như thế này thì gay to. Khó khăn kinh tế là một chuyện, nhưng điều Nga lo nhất lúc này là tình cảm gia đình sẽ sứt mẻ, các con sẽ “cháu hư tại bà” mất thôi.

Hồng Trần/TC GĐ&TE

Tin liên quan