Thậm chí, không ít bạn mua búp bê kumanthong với kỳ vọng học giỏi, điểm cao mà không cần “dùi mài kinh sử”. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là trào lưu vô bổ, thậm chí mê tín dị đoan.
“Đốt” tiền chạy theo labubu
![Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 1 Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 1](https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/680/dansinh/2025/01/10/xep2-1736482592749.jpg)
Hình ảnh nhiều bạn trẻ TPHCM xếp hàng dài từ 2h sáng trước cửa trung tâm thương mại để đợi mua được labubu (hay còn gọi là quái vật thỏ, có tai dài, răng nhọn) được chia sẻ trên khắp trang mạng xã hội.
Thấy các bạn đều có labubu, Minh An (quận Tân Bình, TPHCM) cùng bố xếp hàng để có cơ hội sắm cho mình những con labubu. Theo quy định, mỗi người chỉ được mua 2 con nên Minh An nhờ bố xếp hàng cùng để được mua 4 con.
“Không phải lúc nào cũng có thể mua được những em labubu xinh xắn nên lần này có cơ hội là em dồn hết tiền tiết kiệm mua. Tuy nhiên, để đủ tiền mua 4 con một lúc, em phải xin thêm tiền của bố", Minh An kể.
Labubu được tạo ra bởi nghệ sĩ Pop Mart Kasing Lung vào năm 2015. Với nét ma mãnh, lém lỉnh, tinh nghịch, labubu đã gây sốt với giới trẻ Việt Nam. Trào lưu labubu thực sự bùng nổ khi Lisa (nhóm nhạc Blackpink - Hàn Quốc) đăng ảnh con "quái vật răng thỏ" trên Instagram.
Sau đó, labubu nhanh chóng gây sốt toàn cầu, khiến nhiều nơi cháy hàng. Một con búp bê labubu trong bộ sưu tập này từ 200.000 đồng đến… 22,3 triệu đồng.
Dù đã sở hữu bộ sưu tập 5 con labubu nhưng Dương Minh Hà (Hà Nội) vẫn sẵn sàng chi thêm tiền để rước thêm các em labubu mới. Minh Hà cho rằng: "Labubu không chỉ là món đồ chơi sưu tập mà còn là người bạn nhỏ dễ thương mang lại niềm vui.
Lần đầu tiên thấy labubu, mình đã bị cuốn hút ngay bởi thiết kế độc đáo, với nụ cười tinh nghịch và đôi mắt to tròn, dường như chứa đựng cả một thế giới kỳ diệu bên trong. Sưu tập labubu giống như tham gia vào một cuộc phiêu lưu, khi mỗi phiên bản mới ra mắt đều mang lại cảm giác hào hứng".
Rất nhiều bạn trẻ không thể thống kê được chính xác số tiền bỏ ra cho thú chơi labubu. Chị Minh Hồng (Hà Nội) có khoảng 50 con, giá trị hơn 50 triệu đồng… Con số này chưa bao gồm chi phí mua quần áo và phụ kiện. "Với người không thấy hứng thú sẽ cảm thấy thú chơi này vô nghĩa, tốn kém nhưng mình lại thấy vui".
Tương tự sản phẩm thú bông labubu đang làm mưa làm gió, nhiều bạn trẻ sẵn sàng thức xuyên đêm để xếp hàng mua sonny angel (sản phẩm với đồ chơi ngẫu nhiên được đựng trong những chiếc hộp giấy có thiết kế giống nhau) được công ty Nhật Bản Dreams sản xuất.
Tuy nhiên, sonny angel có kích thước nhỏ hơn, dùng để làm phụ kiện móc khóa hoặc trang trí trên ốp lưng điện thoại. Nhiều hot girl Tiktoker còn lan tỏa trào lưu săn vật phẩm này tạo thành hiệu ứng, thu hút nhiều người cùng sưu tầm.
Thùy Trang, sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM cho biết: “Khi mua được những bé angel hàng hiếm hoặc đang “hot”, em có thể khoe trên kênh cá nhân để tăng tương tác, ngoài ra có thể bán lại với giá cao hơn”.
Mê tín, bỏ bê học hành vì búp bê kumanthong
![Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 2 Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 2](https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/680/dansinh/2025/01/10/xep1-1736482589818.jpg)
Công an tỉnh Quảng Nam cảnh báo, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số học sinh mua búp bê kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa và các loại nước ngọt "cho ăn" nhằm mục đích cầu may mắn và học giỏi. Những đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, sự hiếu kỳ, thiếu hiểu biết của học sinh để dẫn dụ, lôi kéo các em tin và mua búp bê.
Điều đáng nói, trào lưu này đã xuất hiện khá lâu và có nhiều bạn trẻ tin theo. Phạm Minh Trang, học sinh lớp 12 (Hà Nội) cho biết, Trang đã “thỉnh con” cách đây 2 năm với giá 900.000 đồng. Hàng ngày, Trang ăn uống gì thì “con” cũng được ăn uống như vậy.
Từ trà sữa đến bát cơm, cái bánh. "Với mình, Sữa (tên của búp bê kumanthong) là người thân nhất của mình. Sữa chia sẻ với mình mọi thứ trong cuộc sống. Sữa đồng hành giúp mình vượt qua nỗi buồn. Năm học cuối cấp rất căng thẳng, mình tin
Sữa sẽ luôn bên cạnh giúp mình thi tốt", Trang nói.
Búp bê kumanthong là loại bùa chú có nguồn gốc từ văn hóa Thái Lan, thường được gắn với yếu tố tâm linh nhưng đã bị biến tướng khi du nhập vào Việt Nam. Một số trường học ghi nhận tình trạng học sinh nuôi búp bê kumanthong với niềm tin mang lại may mắn, sự bảo vệ, thậm chí khả năng cải thiện điểm số.
Không chỉ dừng ở việc sở hữu, nhiều học sinh còn thực hiện các nghi thức cầu nguyện hoặc thờ cúng búp bê một cách thái quá, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cả về tâm lý lẫn sinh hoạt học đường. Hàng ngày, không chỉ phải cung cấp đầy đủ đồ ăn, thức uống ưa thích mà những người “nuôi” kumanthong còn phải cưng nựng, nói chuyện với nó như với một đứa trẻ.
Họ phải mua đồ chơi, sắm quần áo cho kumanthong thường xuyên. Trên mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm mua sắm đồ cho kumanthong và họ tự hào khoe ảnh “con”.
![Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 3 Mê mệt búp bê và thú bông: Sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ? - 3](https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/680/dansinh/2025/01/10/canh1-1736482590221.jpg)
Sau một thời gian bí mật nuôi búp bê kumanthong, Nguyễn Thu Hoài, học sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương chểnh mảng học hành, không muốn nói chuyện hay chia sẻ với thầy cô, bạn học, bố mẹ mà chỉ làm bạn với búp bê.
Hoài nuôi búp bê kumanthong với mong muốn được phù hộ để học giỏi, thi cử đạt điểm cao. Tuy nhiên, vì dành quá nhiều thời gian chơi búp bê kumanthong nên học hành sa sút.
“Sau khi được bố mẹ phân tích, cháu đã hiểu tác hại của búp bê kumanthong. Cháu đã từ bỏ, không tham gia vào các nhóm facebook và “nuôi” loại búp bê này nữa. Cháu đã hiểu rằng đây là hình thức mê tín dị đoan. Việc học tập và rèn luyện phải bằng nỗ lực của bản thân chứ không thể trông chờ vào hiện tượng siêu nhiên”, Thu Hoài chia sẻ.
Người trẻ cần tỉnh táo, hiểu rõ giá trị để không bị lừa
Chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng trong thực tế của bùa ngải nói chung và búp bê kumanthong nói riêng. Sự xác thực về việc nuôi búp bê kumanthong có mang lại những điều người nuôi mong muốn hay không đến giờ vẫn chỉ là những câu chuyện lưu truyền trên các diễn đàn ảo.
Nhà nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt cho rằng, nguyên nhân thực chất của vấn đề này xuất phát từ tâm lý chung của một bộ phận giới trẻ. Họ đang dần đánh mất niềm tin vào bản thân.
Khi không thể tự lực cánh sinh làm việc chăm chỉ để đạt được thành tựu trong công việc, học tập... họ sẽ bấu víu vào những thứ mê tín dị đoan để có được sự may mắn. Và rồi, những kẻ "buôn thần bán thánh" đã lợi dụng tâm lý ấy để thổi phồng về năng lực siêu nhiên của búp bê kumanthong.
"Xét về góc độ tâm linh, văn hóa và tín ngưỡng, không thể có việc đưa linh hồn vào trong búp bê để thờ phụng và giúp cho bất kỳ ai được đạt mục đích cá nhân", ông Bình khẳng định.
Bàn về thú sưu tập labubu của giới trẻ, ông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập truyền thông Trăng Đen cho rằng, labubu thành công nhờ chiến lược marketing quốc tế và bài bản, với giá trị tinh thần vượt trội hơn vật chất. Không nên phán xét việc người trẻ chi tiền cho labubu nhưng họ cần hiểu rõ giá trị và mong muốn từ món đồ.
Nếu chỉ chạy theo trào lưu mà không cảm nhận được giá trị tinh thần, việc mua sắm có thể trở nên uổng phí. Giới trẻ nên quản lý tài chính thông minh, tránh chi tiêu cho trào lưu ảnh hưởng đến các nhu cầu thiết yếu.
Còn ThS Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, nhãn hàng đã khai thác vào tâm lý muốn thể hiện bản thân của giới trẻ. Chuyện người trẻ chạy theo xu hướng là bình thường. Nhu cầu thể hiện bản thân của các bạn trẻ rất lớn và không muốn bị lạc hậu, bỏ lại phía sau.
Việc chạy theo trào lưu, sưu tầm những món đồ “hot” vừa thể hiện cá tính bản thân, vừa được nhiều người ghi nhận và đánh giá cao trong những mối quan hệ cùng trang lứa. Tuy nhiên, việc chạy theo trào lưu phải phù hợp với điều kiện mỗi người. Không nên bất chấp tất cả để có được món hàng xa xỉ mà không thực sự cần thiết.
Theo ông Thành, việc chạy theo trào lưu không đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống, sức khỏe, công việc hay học tập. Khi đó, những hành động này không còn là biểu hiện của sự "sành điệu" mà trở thành hành vi thiếu nhận thức, dẫn đến tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Đào Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 5