Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?

 
Đâu phải những đứa trẻ mới là con cái. Ngay cả khi bạn đã lên chức ông/bà, thì bạn vẫn cứ là một người con của bố/mẹ bạn. “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” của nhà sản xuất, đạo diễn người Nhật Bản Moriya Takesi như một món quà nhỏ dành tặng cho những người làm mẹ và là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà ý nghĩa đối với những người con.
 
“Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?” là một cuốn sách hết sức đặc biệt vì nó không phải truyện kể, cũng không phải kiểu sách kỹ năng, nó chỉ đơn giản là những đoạn hội thoại ngắn giữa hai mẹ con tác giả Moriya Takesi. 100 câu hỏi được đưa ra, những câu hỏi thẳng thẳn và không kém phần hóc búa, ví như: Tuổi thanh xuân của mẹ đã trôi qua như thế nào? Ngày bé con như thế nào? Tại sao bố mẹ lại ly hôn? Mẹ đã có suy nghĩ gì khi quyết định đến sống chung với người đàn ông đó? Với mẹ lúc bấy giờ thì tình yêu, sự nghiệp và con cái, điều nào là quan trọng nhất? Mẹ đã cảm thấy như thế nào khi nghe con nói sẽ kết hôn? Việc lên chức bà có ý nghĩa như thế nào đối với mẹ?... Và câu hỏi cuối cùng, tác giả đã hỏi “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”. Câu trả lời là “Có”, bởi suy cho cùng, làm mẹ dù gian khó biết chừng nào thì điều quan trọng nhất với các bà mẹ vẫn luôn là mong các con được sống hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của các con cũng chính là hạnh phúc của người mẹ.
 
Năm tháng trôi qua, bạn dần trưởng thành thì cũng là lúc mẹ già đi mỗi ngày. Đôi khi chúng ta vì bận rộn với gia đình riêng, với công việc và những lo toan vụn vặt hàng ngày mà quên mất dành thời gian cho mẹ. Có khi nào bạn tự hỏi lòng rằng: Còn bao nhiêu thời gian mẹ ở bên mình nữa nhỉ? Nếu đã từng suy ngẫm về câu hỏi ấy, bạn sẽ tự biết làm con như thế nào là đúng đắn.
 
Có một sự thật hiển nhiên là, cho dù bạn là một đứa trẻ lên 3, hay khi đã 30, thậm chí 50 thì mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân của bạn, kiên trì, bền bỉ và đầy yêu thương, lo lắng. Cho dù bạn yêu mẹ bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng không bao giờ là đủ để đền đáp công ơn nuôi dưỡng và giáo dục của mẹ. 

Cuốn sách này như những lời tâm tình mẹ và con, đọc nó xong bạn chỉ muốn chạy ngay về nhà, để được vỡ òa trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Cách mà mẹ sống cuộc đời của một người đàn ông trong cái lốt là người phụ nữ đã cho tôi định nghĩa về ý thức “sống mạnh mẽ” thì không cần phải phân biệt giới tính… Sống là một việc khó khăn, khó đến nỗi đôi khi ta chỉ muốn trốn chạy. Nhưng mẹ tôi đã không lẩn tránh. Bà đã cố gắng vượt qua tất cả. Tôi nhận thấy điều đó trong 100 câu trả lời của bà”.

Phương Anh/GĐ&TE

Tin liên quan