Hồ Ngọc Hà – ca sĩ tiên phong hủy show diễn của mình để đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình. Ảnh: KT
Yêu thương đưa con người đến gần nhau hơn
Sau những ngày mưa như trút nước, hết Quảng Bình, rồi Hà Tĩnh, Nghệ An bị lũ lụt bủa vây, nhiều người dân phải trèo lên mái nhà lánh nạn. Trong cái đói, cái khát, cái rét, con người dễ rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, cô đơn.
Hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng của người dân, sáng ngày 19/10/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến với đồng bào. Vừa là đi kiểm tra tình hình khắc phục lũ lụt, vừa là đến để động viên bà con, bà Nguyễn Thị Kim Ngân xắn quần lội nước, chân thành và giản dị, thân thiện và gần gũi cầm tay người già ở vùng lũ tỉnh Hà Tĩnh. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng của những vùng bị lũ lụt lúc này là tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống của nhân dân, triển khai sản xuất. Song song với những việc này là hỗ trợ cho những gia đình khó khăn, phòng chống dịch bệnh…
Trước đó, một người đàn ông nổi tiếng là MC Phan Anh đã có sáng kiến kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng mạng xã hội trên trang facebook cá nhân của mình. Anh thực sự ngạc nhiên khi chỉ sau hơn 1 ngày kêu gọi, số tiền đổ về tài khoản đã có trên 8 tỷ đồng. Thế là anh cùng với một số bạn bè tức tốc vào vùng lũ. Anh hiểu, nước ngập trắng mênh mông thì làm gì có cái ăn, cái uống. Vì thế, trước mắt là nhu yếu phẩm, sau đó mới đến những vật dụng cần thiết khác.
Dân ta còn yêu thương nhau lắm, chỉ một mình MC Phan Anh kêu gọi ủng hộ trên FB cá nhân mà chỉ trong mấy ngày đã có số tiền lên tới 16 tỷ đồng. Những ngôi sao sáng giá trong làng giải trí như ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng, Hoa hậu Phạm Hương, Mỹ Linh… cũng trở nên gần gũi với người dân bình thường trong cơn “đại hồng thủy”. Tình yêu thương mênh mông có thể bù đắp mất mát, kéo con người lại gần nhau hơn.
Thương người như thể thương thân…
Trong đêm tối, lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn khiến nhiều người dân ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình không kịp trở tay. Vậy mà anh Hoàng Văn Tâm cùng con trai là Hoàng Văn Nam (SN 1998) đã chèo thuyền đi cứu được 15 người mắc kẹt trên mái nhà. Nhiều người cho rằng cha con anh hành động như những người anh hùng, còn bản thân anh Tâm chỉ cười và nói: “Có chi mô! Cùng là dân vùng lũ, thấy người gặp nạn thì cứu giúp thôi!”.
Điều đáng khâm phục là trong cơn lũ dữ, không ít người trẻ tuổi quên cả mạng sống của mình để cứu người gặp nạn. Đó là em Đặng Quốc Vinh (13 tuổi, trường THCS Hồng Tân, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lao xuống dòng nước xiết cứu sống 2 em nhỏ. Các em gái may mắn thoát chết là Nguyễn Thị Lan (9 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (8 tuổi), cùng trú tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Em Vinh cũng nghĩ đơn giản là thấy người gặp nạn là cứu, dù có thể nguy hiểm đến tính mạng. Em cũng hành động theo phương châm “thương người như thể thương thân”.
Những ngày qua, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngập trong mưa lũ, cuộc sống của những người dân vô cùng khó khăn. Trong điều kiện ngập lụt, chia cắt sau mưa lớn, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau được thể hiện rõ thông qua nhiều hành động ý nghĩa. Ở đây nổi bật hình ảnh “bộ đội cụ Hồ” sát cánh cùng học sinh, cô giáo lau chùi bàn ghế, gạt bùn, sửa đường, tu chỉnh khu vui chơi cho các cháu. Những thùng quần áo, sách vở, chăn màn đầu tiên đã đến với những người dân vùng lũ. Nụ cười đã trở lại trên những gương mặt bơ phờ, mệt mỏi sau bao ngày đêm thức trắng.
Lũ rồi sẽ đi qua, tình người sẽ ở lại. Những hình ảnh yêu thương đầy cảm động sẽ lưu lại mãi ở nơi này.
Quà của báo Tuổi trẻ được trao tận tay cho bà con vùng lũ. Ảnh: KT
Tình cảm và trí tuệ sẽ là điểm tựa vững vàng
Phải nói là chuyện các tỉnh miền Trung bị lũ lụt lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay. Khi nước rút đi, người dân trắng tay, họ lại cặm cụi làm ăn và mua sắm lại từ đầu, nhưng rồi lại lũ, lại mất trắng, lại ủng hộ… Chuyện này diễn ra nhiều lần nhưng tình cảm của người dân cả nước dành cho đồng bào miền Trung không hề phai nhạt. Mỗi năm lại có những con người mới, hình thức mới ủng hộ những gia đình bị lũ lụt. Tuy nhiên, việc cần tìm ra những biện pháp có thể khắc phục cơ bản hiểm hoạ lũ lụt cũng đã được đặt ra.
Vào năm 2016 này, trong khi người dân vùng lũ đang oằn mình trên nước, tại Thủ đô Hà Nội, Thảo luận bàn tròn khoa học - chính sách "Cơ hội và thách thức trong thiệt hại mất mát, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai” đã được tổ chức vào ngày 18/10. Hội thảo này do Trung tâm nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển tổ chức, được sự tài trợ của Mạng lưới Nghiên cứu toàn cầu Châu Á - Thái Bình Dương hỗ trợ.
Đã có những cơ quan khoa học, những doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc. Ngoài việc trợ giúp tức thì, các nhà khoa học, các doanh nhân muốn tìm ra cách ứng phó bền vững, giải quyết cơ bản những khó khăn do thiên tai gây ra. Đó là chúng ta có thể tham gia thị trường bảo hiểm thiên tai, nghĩa là chúng ta tìm ra biện pháp để các cơ chế tài chính mạnh trên thế giới “ghé vai” cùng chúng ta gánh vác việc này.
Khí hậu đang biến đổi, thiên nhiên càng ngày càng trở nên khó lường, con người cần có những biện pháp để thích ứng. Chúng ta sẽ đối phó với lũ lụt cả bằng tình yêu thương và trí tuệ. Điều này sẽ tạo ra những điểm tựa vững chắc để chúng ta vượt qua mọi thử thách trong tương lai.
Hải Hồ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em