Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mì gói hết thời hoàng kim?

Tiêu thụ mì gói của Việt Nam giảm sút 3 năm liên tiếp, từ mức 5,2 tỷ gói trong năm 2013 xuống còn 4,8 tỷ gói năm 2015 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

doanh nghiệp nhiều năm dẫn đầu thị trường, nhưng 2 năm gần đây Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng phải chịu cảnh đi xuống. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nếu 2013 công ty đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng thì 2014 và 2015 sụt xuống 9.000 tỷ, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó.

Giải thích cho nguyên nhân giảm sút, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc công ty cho rằng, đây là tác động của xu hướng chung trên thế giới. Ngoài ra, gần đây xuất hiện nhiều thông tin về sản phẩm mì gói thiếu chính xác khiến khách hàng bất an và giảm sử dụng.

Sức mua mì gói trên thị trường ngày càng sụt giảm. Ảnh: Hồng Châu

 

Đứng thứ 2 trên thị trường mì gói và có tốc độ đánh chiếm thị phần khá nhanh, nhưng một năm trở lại đây tình hình kinh doanh mì gói tại Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan cũng sụt giảm. Theo báo cáo của Tập đoàn Masan - công ty mẹ của Masan Consumer, thì ngành thực phẩm tiện lợi, trong đó có mì gói đi ngang do thị trường tăng trưởng âm về khối lượng tiêu thụ. Do vậy, năm 2015, Masan Consumer chỉ đạt doanh thu 13.200 tỷ trong khi lợi nhuận giảm 15% xuống 2.900 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ bán hàng có tăng nhẹ, tuy nhiên lợi nhuận giảm 20% so với cùng kỳ.

Luôn duy trì mức lợi nhuận ổn định, nhưng hai năm gần đây Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket cũng đang chững lại. 

Cụ thể, trong năm 2014 công ty chỉ đạt 26 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 39,5% so với 2013. Sang đến 2015, doanh thu và lợi nhuận có cải thiện nhưng cả năm cũng chỉ đạt doanh số 478 tỷ, lợi nhuận trước thuế 40,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 6,7% so với mức đỉnh cao ghi nhận vào năm 2013. 

Không có thị phần lớn như các doanh nghiệp trên, giữa năm 2015, sau khi bán mảng bánh kẹo, Tập đoàn Kinh Đô (hiện đổi tên là KiDo) đã kết hợp với Saigon Ve Wong cho ra mắt thương hiệu mì Đại Gia Đình. Tuy nhiên, vì mới “chân ướt chân ráo” vào ngành lại gặp nhiều thách thức trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường ngày càng đi xuống, nên năm 2015 công ty không đạt được mục tiêu kỳ vọng.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc công ty cho hay, ngành hàng này không chỉ cạnh tranh khốc liệt mà muốn đầu tư phải có vốn lớn. Chỉ mới tham gia thị trường một năm mà chi phí đầu tư cho mảng này đang khá cao nhưng lợi nhuận kiếm được không hề dễ dàng. Không những vậy, thời gian gần đây sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh khiến hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn. Công ty vẫn đang duy trì ngành kinh doanh này nhưng sẽ không đầu tư thêm cho đến khi thị trường hồi phục.

Khảo sát tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, sản phẩm mì gói ngày càng đa dạng với vài chục nhãn hàng đủ chủng loại, từ nhập khẩu cho tới trong nước với đủ các phân khúc, nhưng sức mua lại sụt giảm.

Theo một số hệ thống siêu thị ở Việt Nam, nếu các năm trước mì gói được người dùng lựa chọn nhiều thì hơn năm trở lại đây các sản phẩm làm từ gạo đang có xu hướng thay thế và đi lên. 

Số liệu báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, nhưng đến 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói. Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Xu hướng giảm này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khi mà người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn khác.

Thừa nhận cần thay đổi trước thời cuộc, Tổng giám đốc Kajiwara Junichi cho hay, công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng các sản phẩm mì cao cấp có rau và các sản phẩm làm từ gạo. 6 tháng đầu năm, các sản phẩm làm từ gạo như phở và bún của công ty tăng tới 25%, miến tăng 32% và mì ly tăng 45%. 

Tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hiện có khoảng trên 50 doanh nghiệp mì ăn liền, sản xuất gần 5 tỷ gói một năm. Số liệu công bố từ 2014 cho thấy, Masan Consumer chiếm thị phần 16,5%, Asia Food chiếm 12,1%; Vina Acecook, công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản dẫn đầu thị trường với 51,5% thị phần. 20% còn lại dành cho các thương hiệu nhỏ hơn như Miliket - Cosula, Vifon…